Không thể biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho doanh nghiệp nước ngoài

17/11/2016

Sáng 17/11, tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước cũng như tự chủ về kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Không thể biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho doanh nghiệp nước ngoài

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương chất vấn Thủ tướng Chính phủ                                   Ảnh: Đình Nam

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước, phát triển kinh tế tư nhân khi tham gia hội nhập, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương- tỉnh Bắc Kạn cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đề ra các chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân, nhiều nhà đầu tư bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, nhiều mặt hàng trong nước không kém gì các nước trên thế giới nhưng đôi lúc bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Ví dụ hàng nông sản, thực phẩm, điện tử, ô tô do những chính sách hàng rào kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa nhất quán. Với tư cách là Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp gì để bảo vệ chính đáng sản phẩm sản xuất trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: xây dựng Việt Nam thành một nước độc lập tự chủ về kinh tế

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đại biểu Triệu Thị Thu Phương. Vừa qua, hàng rào kỹ thuật của nước ta còn kém nên thua thiệt ở ngay tại sân nhà. Thủ tướng cho rằng, không thể biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho doanh nghiệp nước ngoài; phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nội địa khi ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Vừa qua, còn tồn tại nhiều bất cập, từ sản xuất, lắp ráp ô tô cho đến sản xuất phân bón, thức ăn gia súc và nhiều mặt hàng khác chúng ta đã buông lỏng, biến thành một thị trường tiêu dùng với 100 triệu dân mà chưa coi trọng bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với chủ trương bảo vệ sản phẩm trong nước. Qua đó, xây dựng các tập đoàn, các công ty nhà nước và tư nhân mới phát triển, có thương hiệu để sản xuất, tiêu thụ hàng nội địa. Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong quá trình hội nhập khi chúng ta tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Tự chủ về kinh tế cũng rất quan trọng trong thời kỳ hòa bình hội nhập

Về biện pháp kinh tế độc lập, tự chủ của nền kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân- Tp Hồ Chí Minh đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp nào bảo đảm nền kinh tế giữ vững độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng và Nhà nước ta phải độc lập, tự chủ về kinh tế. Độc lập, tự chủ kinh tế trước hết là không phụ thuộc thị trường, không phụ thuộc đối tác. Trong những biến động lớn của nền kinh tế, ví dụ như tiền tệ, năng lượng, lương thực phải được bảo đảm nền kinh tế không bị phụ thuộc vào nước khác.

Trên tinh thần đó, chúng ta phải có nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển các thế mạnh của nước ta như công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, công nghệ thông tin... Có thể nói có nhiều giải pháp một cách đồng bộ để xây dựng Việt Nam thành một nước độc lập tự chủ về kinh tế.

Nhắc lại quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong giai đoạn kháng chiến trước đây: "không có gì quý hơn độc lập, tự do", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hiện nay, tự chủ về kinh tế cũng rất quan trọng trong thời kỳ hòa bình hội nhập.

Thanh Tú- Vân Ngọc