Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật đường sắt (sửa đổi)

11/11/2016

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 14, sáng 11/11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật đường sắt (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vẫn giữ nguyên như Luật Đường sắt năm 2005 là chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính khái quát toàn diện các quy định của Dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ                                                                        Ảnh: Đình Nam

Trong phiên thảo luận, đa số đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Đường sắt năm 2005. Nhưng có ý kiến cho rằng về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo Luật vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Đường sắt năm 2005 là chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính khái quát toàn diện các quy định của dự thảo Luật. Do vậy, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung theo hướng vừa bảo đảm tính tổng quát nhưng vừa nhấn mạnh đến những vấn đề đổi mới cốt lõi của dự thảo Luật như kinh doanh đường sắt, chính sách phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, đường sắt tốc độ cao, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Tại Tổ 1- Đoàn đại biểu Hà Nội, một số đại biểu phân tích nguyên nhân của những hạn chế thời gian qua của ngành đường sắt một phần do công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa tốt, trong khi đó quy định về quy hoạch trong dự án còn chung chung. Các đại biểu nhấn mạnh công tác quy hoạch phải tạo nên năng lực chủ lực trong vận chuyển hành khách khối lượng lớn, tốc độ nhanh và trong toàn bộ vận hành của mạng lưới vận tải công cộng trên các đô thị lớn và nối kết liên vùng, kết nối quốc tế. Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa vận tải đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Bên cạnh đó cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, ưu đãi trong phát triển công nghiệp đường sắt để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng, nhanh chóng của người dân.

Tại tổ 3- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Nghệ An, Trà Vinh các đại biểu quan tâm nhiều đến quy định kinh doanh đường sắt. Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy- tỉnh Nghệ An, cho rằng, cần có quy hoạch đồng bộ hơn về kinh doanh đường sắt; doanh nghiệp được giao kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư không được trực tiếp kinh doanh hoặc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp vận tải đường sắt trên tuyến đường sắt được giao. Nhiều đại biểu cho rằng, về kinh doanh đường sắt, quy định như khoản 2 điều 54 của Dự thảo Luật là hạn chế quyền tham gia kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Tại tổ 7- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bắc Giang các đại biểu tập trung vào chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển đường sắt tại điều 5 và điều 6 của dự thảo. Một số đại biểu đề nghị, nên đầu tư chế tạo nguyên vật liệu cho kết cấu hạ tầng đường sắt, không chỉ phát triển đường sắt từ quỹ đất, kết cấu hạ tầng mà còn phải tập trung vào nguồn lực đầu tư, định hướng nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, ưu tiên mở hệ thống đường sắt vùng sâu vùng xa...

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước tại Điều 9, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương do tính chất liên kết vùng đặc thù để vừa đảm bảo mạng lưới đường sắt được mở rộng, vừa nâng cấp được hệ thống. Trước tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt diễn ra gần đây, các đại biểu cũng yêu cầu giao cho chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ, để giao thông đường sắt được thông thoáng, Luật đi vào thực tiễn, giảm tải cho đường bộ, đường thủy.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và họp riêng về Dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đặng Mai- Minh Hằng