Cần duy trì chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT- XH khó khăn

10/11/2016

Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Một trong những nội dung của dự thảo Luật dành được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là quy định về chi nhánh trợ giúp pháp lý. Nhiều ý kiến đề nghị duy trì các chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình;cũng có ý kiến đề nghị duy trì chi nhánh nhưng không tổ chức dàn trải mà phải phù hợp với từng địa bàn và phải bảo đảm chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền: không quy định về chi nhánh trợ giúp pháp lý như một cơ cấu cứng

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền- tỉnh Hà Nam phân tích, việc cân nhắc có nên tiếp tục quy định về chi nhánh trợ giúp pháp lý nữa hay không cần được xem xét trong mối tương quan giữa các định hướng về đổi mới hoạt động của trung tâm trợ giúp pháp lý và thực tiễn hiệu quả hoạt động. Theo đó, đại biểu bày tỏ tán thành với việc không quy định về chi nhánh trợ giúp pháp lý như một cơ cấu cứng, một tầng lớp trung gian của trung tâm trợ giúp pháp lý nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, khắc phục sự cồng kềnh về tổ chức, hoạt động kém hiệu quả của các chi nhánh.

Nhất trí với giải pháp rà soát, sắp xếp lại hệ thống chi nhánh trợ giúp pháp lý để duy trì, củng cố những chi nhánh thực sự cần thiết tại những địa bàn khó khăn, là giải pháp quá độ trong giai đoạn đội ngũ luật sư tại các địa bàn này còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng để làm được điều này dự thảo luật cần quy định một cách uyển chuyển, linh hoạt, có tính mở.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định tại các địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn, trung tâm trợ giúp pháp lý có thể mở chi nhánh trợ giúp pháp lý.  Đồng thời, nên ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện để thành lập, duy trì chi nhánh trợ giúp pháp lý tại các địa bàn khó khăn và cơ cấu tổ chức của chi nhánh;việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và điều kiện kinh tế- xã hội của từng địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật phát biểu tại Hội trường                                                 Ảnh: Đình Nam

Bày tỏ tán thánh quan điểm của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật- tỉnh Kiên Giang cho rằng dự thảo luật không quy định chi nhánh với tư cách là một tổ chức của trung tâm trợ giúp pháp lý cũng như việc thành lập mới các chi nhánh là hợp lý.

Để đảm bảo cho quyền được tiếp cận với yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, thuận lợi cho người dân, đại biểu Nguyễn Văn Luật cho rằng các trung tâm trợ giúp pháp lý phải đổi mới phương thức trợ giúp pháp lý thông qua việc tổ chức lại cách thức tiếp cận yêu cầu trợ giúp pháp lý, tổ chức lại địa điểm cho người được trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận có thể thực hiện tại trụ sở của tổ chức đó hoặc tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động. với việc đổi mới các phương thức như vậy sẽ cung cấp một cách thuận lợi, chất lượng cho những người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý theo quy định của dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội K’ Choi phát biểu tại Hội trường

Cũng có cùng quan điểm tán thành quy định rà soát để tiếp tục duy trì, sáp nhập hoặc giải thể các chi nhánh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi nhánh đã được thành lập và không thành lập thêm chi nhánh mới, song đại biểu Quốc hội K’ Choi- tỉnh Đắk Nông cho rằng nếu vẫn tiếp tục duy trì hình thức chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã được thành lập trước đây thì vẫn cần phải quy định trong luật làm cơ sở hợp lý cho các tổ chức này hoạt động. Đồng thời, đề nghị đối với một số tỉnh miền núi, địa bàn đi lại gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục tổ chức chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý nhằm tạo điều kiện cho đối tượng được trợ giúp pháp lý tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân- tỉnh Bắc Kạn lại bày tỏ băn khoăn về địa vị pháp lý của chi nhánh trợ giúp pháp lý được quy định trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, nếu có duy trì, có sáp nhập tức là khẳng định vị trí của chi nhánh thuộc trung tâm thì phải có quy định trong điều khoản thì lúc đó mới dễ dàng triển khai thực hiện và tạo cơ sở hoạt động cho chi nhánh này tuy nhiên Điều 11 của dự thảo Luật lại không đề cập đến nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội trường

Cho rằng hoạt động của một số chi nhánh trợ giúp pháp lý không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực không phải vì khiếm khuyết của Luật mà do cách thức tổ chức, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh không thể vì một số trường hợp thực hiện không tốt mà bác bỏ đi tất cả hoạt động chi nhánh hiệu quả tốt, là tâm nguyện của rất nhiều người gắn bó với hoạt động trợ giúp pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu và làm rõ địa vị pháp lý của chi nhánh trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý các địa phương để đảm bảo nhu cầu trợ giúp pháp lý và quyền được tiếp cận công lý của các đối tượng yếu thế. Theo đó, luật lần này cần tiếp tục kế thừa, khắc phục lỗi của việc làm tùy tiện là không có tư vấn viên và trợ giúp viên mà vẫn thành lập, đồng thời phải nâng tầm chi nhánh với quy định có chi nhánh và những chi nhánh có luật sư, có trợ giúp viên, tư vấn viên đủ điều kiện thì được thành lập, đặc biệt tại những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa thì bắt buộc có chi nhánh.

Bảo Yến