Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng

28/12/2009

Làm việc với Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Đoàn Công tác đã đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy Cao Bằng cho biết những tiến bộ nổi bật của tỉnh trong thực hiện chủ trương CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn

Ngày 26 – 27.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

 

 

 

Tham dự Đoàn Công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt... 

 

Báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn Công tác, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Hà Ngọc Chiến nêu rõ: sau hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt là từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh những năm qua đạt hơn 11%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của tỉnh còn thấp, chưa đi vào chiều sâu. Chất lượng các ngành dịch vụ chưa cao. Tỉnh chưa có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đến hết năm 2008, Cao Bằng đã cơ bản sắp xếp, chuyển đổi xong các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng, một số cơ quan quản lý nhà nước vẫn coi công ty cổ phần là doanh nghiệp trực thuộc, do đó vẫn can thiệp mang tính hành chính vào tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp...

 

Ban thường vụ tỉnh ủy Cao Bằng đề nghị: Trung ương có đề án tổng thể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng miền núi, dân tộc, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; có các quy định cụ thể về chế độ tiền lương, phụ cấp chức vụ đối với cấp xã, phường, thị trấn, tạo sự liên thông đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.

 

Làm việc với Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Đoàn Công tác đã đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy Cao Bằng cho biết những tiến bộ nổi bật của tỉnh trong thực hiện chủ trương CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể là công tác đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn như thế nào? Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp ra sao? Vai trò của đội ngũ cán bộ, cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương? Là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Kinh..., trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, Cao Bằng đã phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào? Việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo đạt kết quả đến đâu, có điểm gì được và chưa được? Tỉnh xác định định hướng phát triển trong thời gian tới như thế nào để không chỉ chăm lo, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc mà còn giúp đồng bào vươn lên phát triển kinh tế bền vững? Với lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản như quặng sắt, mangan, bauxite, việc tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng là đúng hướng, nhưng làm như thế nào để bảo vệ được môi trường? Hiện nay, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, nhưng Cao Bằng có 5 huyện nằm trong tổng số 62 huyện nghèo nhất cả nước, thì nên đánh giá như thế nào là phù hợp?

 

Giải đáp các yêu cầu của Đoàn Công tác, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thị Nương khẳng định, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện phát triển KT- XH theo đúng chủ trương phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng không làm thay. Tỉnh xác định, muốn vươn lên thoát nghèo thì trước hết phải tập trung xóa bỏ tư tưởng “hòn đá tảng” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên bấy lâu nay là trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương. Để thực hiện mục tiêu này, Cao Bằng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có tập trung phát huy nội lực, khơi dậy và khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo niềm tin cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, chung lòng, vượt qua những khó khăn, thách thức của một tỉnh vùng cao biên giới để xây dựng và phát triển KT – XH của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

 

Đóng góp ý kiến vào Cương lĩnh năm 1991 và nội dung các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng đề nghị, Trung ương cần nghiên cứu, thảo luận và làm rõ hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng XHCN. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay nên tổ chức như thế nào để bảo đảm Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng không làm thay.

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thông tin bổ ích mà Ban thường vụ tỉnh ủy Cao Bằng đã cung cấp cho Đoàn Công tác. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng biểu dương những nỗ lực, thành tích rất đáng ghi nhận mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đạt được sau hơn 20 năm đổi mới, thực hiện Cương lĩnh năm 1991 của Đảng; chia sẻ với những khó khăn, thách thức của một tỉnh vùng cao biên giới, địa hình chia cắt, diện tích đất nông nghiệp ít, chỉ chiếm 12% diện tích của toàn tỉnh. 

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đáng chú ý, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng tương đối khá trong nhiều năm. Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, GDP của tỉnh đạt 11%. Các thành phần kinh tế phát triển theo đúng chủ trương của Trung ương. Tỉnh giữ được cân đối lương thực trên địa bàn; quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc, tôn giáo, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Bộ mặt nông thôn Cao Bằng đã và đang có nhiều bước thay đổi rõ rệt... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những kết quả nêu trên chính là thành tựu của công cuộc đổi mới, cho thấy đường lối đổi mới của Đảng đã đến với người dân, xuống tận các bản làng xa xôi, miền núi, đặc biệt khó khăn của tỉnh vùng cao biên giới như Cao Bằng. Tại sao trong Báo cáo của Ban thường vụ tỉnh ủy hay trong các cuộc làm việc ở cơ sở, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đều khẳng định lòng dân Cao Bằng yên, đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng tuyệt đối đi theo và trung thành với Đảng, Đảng nói dân nghe? Đó là bởi, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đã và đang vào cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, làm thay đổi cuộc sống của họ cả về vật chất và tinh thần. Thực tiễn sinh động đó thêm một lần chứng minh, Cương lĩnh năm 1991 là đúng đắn, phát huy được giá trị soi đường chỉ lối.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng mong muốn, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cao Bằng cần thấy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tổng kết cụ thể xem thế mạnh nào đã được khai thác và còn khó khăn gì hay không, nếu có là do đâu? Cao Bằng thực hiện CNH- HĐH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng phải gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cụ thể là gắn CNH- HĐH với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp khai khoáng... Muốn vậy, trước hết về tư tưởng và quyết tâm, Cao Bằng cần vươn lên làm giàu, không cam chịu đói nghèo; đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn trong việc vận dụng các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Quan tâm xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng, phát triển đường giao thông, điện. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chăm lo chính sách đối với đồng bào dân tộc. Thực hiện tốt hơn nữa chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách tôn giáo. Cao Bằng cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung đi sâu đánh giá thực chất công tác này trên địa bàn? Xem xét về tình hình tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như thế nào? Tại sao tỉnh hiện còn hơn 300 xóm chưa có Chi bộ?

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Cao Bằng cần tiếp tục suy nghĩ và kiến nghị với Đảng, Trung ương những nội dung, định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới. Ví dụ, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân. Thế nào là kinh tế thị trường định hướng XHCN? Làm thế nào để nâng cao dân trí và xây dựng được đội ngũ cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số?...

 

+ Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã thăm và nắm tình hình thực tiễn tại huyện Trùng Khánh; xã Phúc Sen, Quảng Uyên; Công ty cổ phần khoáng sản Tây Giang, Cao Bằng; thăm Khu du lịch Thác Bản Giốc; thăm Tổí hợåp Mỏ luyệån kim Cao Bằng; thăm và tặng quà một số gia đình chính sách, gia đình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn...

 

Nắm bắt tình hình thực tiễn tại huyện Trùng Khánh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng biểu dương những kết quả tích cực mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh đã đạt được trong thời gian qua. Là huyện miền núi biên giới của tỉnh Cao Bằng, được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế về đất đai, lao động, tài nguyên khoáng sản, thủy điện..., cơ cấu kinh tế của Trùng Khánh đang chuyển dịch tích cực theo hướng nông - lâm nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - du lịch. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 1991 mới đạt hơn 12 nghìn tấn, nhưng đến năm 2009 đã tăng lên hơn 32 nghìn tấn, vượt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2005 – 2010. Trên địa bàn huyện đã có những cánh đồng thu nhập trên 40 triệu đồng/ ha. Chăn nuôi đang được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa... Tuy nhiên, so với mong muốn và mục tiêu đề ra thì KT – XH của Trùng Khánh còn chậm chuyển biến và chưa rõ nét, chất lượng chưa cao. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng gợi mở, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đổi mới tư duy kinh tế, năng động, sáng tạo, phát huy và khai thác có hiệu quả lợi thế về kinh tế cửa khẩu, du lịch, nguồn tài nguyên khoáng sản. Đối với chủ trương CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn, không phải cứ đưa công nghiệp vào mới là CNH – HĐH mà trong quá trình thực hiện chủ trương này cần tính đến các đặc thù của địa phương, của cơ sở.

 

Xã Phúc Sen, Quảng Uyên là xã vùng 2, có 100% dân số là dân tộc Nùng. Bà con vui mừng báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn Công tác về những bước đổi thay rõ nét cả về đời sống vật chất và tinh thần trong những năm gần đây; khẳng định để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Đến thăm nghề rèn truyền thống tại huyện Quảng Uyên, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã tìm hiểu tình hình sản xuất tự cung, tự cấp, mô hình kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã ở miền núi. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Công tác nhận thấy, mặc dù các mô hình này còn mang tính thủ công, thu nhập thấp, nhưng đang giải quyết nhiều việc làm cho người dân miền núi, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nói chuyện với bà con nơi đây, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, trước mắt, phương châm của bà con là “ trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề”  vẫn nên tiếp tục để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo. Nhưng về lâu dài, bà con cần phát triển các nghề truyền thống của mình theo hướng liên kết với nhau, đầu tư máy móc, đổi mới mẫu mã sản phẩm để nâng cao giá trị của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều nơi khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là không chỉ chăm lo xóa đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc mà còn mong bà con phát triển theo kịp với các khu vực khác của đất nước.

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)