Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Sẽ làm rõ những nội dung các đại biểu Quốc hội nêu

07/11/2016

Sáng 7/11, giải trình trước Quốc hội về các ý kiến đóng góp của các đại biểu cho dự án Luật quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ làm rõ tất cả những vấn đề cũng như đề xuất cụ thể của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện cho dự thảo luật lần này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình về các ý kiến của của các đại biểu Quốc hội             Ảnh: Đình Nam

Tiếp tục làm rõ thêm các nguyên tắc của dự thảo Luật

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một luật rất quan trọng để điều chỉnh các hoạt động về thương mại quốc gia, giữa chủ thể là Nhà nước với Nhà nước và Nhà nước với các tổ chức doanh nghiệp của nước ngoài, cũng như doanh nghiệp trong nước. Luật sẽ không điều chỉnh và mở rộng sang những phạm vi nội hàm khác đã được điều chỉnh cũng như đã được nêu cụ thể trong các Luật thương mại năm 2005 cũng như các luật khác. Vì trên thực tế những phạm vi này rất rộng và cũng đang có kế hoạch tiếp tục xây dựng luật mới để thay thế cho Luật thương mại năm 2005, bảo đảm độ bao phủ cũng như điều chỉnh cho tất cả những hoạt động khác liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại dịch vụ cũng như các lĩnh vực khác.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, quan điểm của Chính phủ là tạo một môi trường hướng tới doanh nghiệp để phục vụ cho phát triển của doanh nghiệp không mâu thuẫn với tên của Luật quản lý ngoại thương. Chính phủ đồng tình với rất nhiều nhận định, đánh giá của các đại biểu Quốc hội với một bộ luật rất quan trọng trong hoạt động quản lý ngoại thương thì cần phải tiếp tục làm rõ thêm các nguyên tắc cũng như những nội dung cụ thể để quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan đầu mối ở đây, kể cả đó là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính hay những cơ chế nào khác. Cố gắng đúng theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội phải xây dựng các luật có giá trị thực tiễn và có ứng dụng cao, chứ không phải đợi để có những quy định bằng những văn bản dưới luật mà trao trách nhiệm cho các cơ chế quản lý của Chính phủ hoặc của các bộ, ngành quản lý nhà nước.

Về hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước và thủ tục hành chính, trước nhiều ý kiến của các đại biểu về việc làm để áp dụng các công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến để thực hiện tốt các biện pháp quản lý và các thủ tục hành chính đối với hoạt động ngoại thương, tránh sự lạm dụng cũng như có sự trục lợi trong các chính sách quản lý của nhà nước và trong thẩm quyền cũng như quyền lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công thương tiếp thu và sẽ tiếp tục cụ thể hóa không chỉ trong văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện luật này mà còn thể hiện ngay trong những nội dung, nội hàm lớn của những văn bản luật này trong kỳ báo cáo với Quốc hội lần sau.

Đối với một số vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng cho biết, có quá nhiều khái niệm chuyên ngành, không đơn giản mà liên quan đến rất nhiều nội hàm khác. Vì vậy, khi luật đi vào thực tiễn có thể gây ra hiểu biết không đầy đủ, không hoàn thiện, gây khó khăn cho các cơ quan chấp hành pháp luật. Cho nên cần phải bổ sung các phần định nghĩa và giải thích rõ tất cả các khái niệm, các nội hàm cần thiết có liên quan đến những khái niệm đó và sẽ trình bày cụ thể với Quốc hội trong các kỳ làm việc sau.

Về một số vấn đề liên quan đến quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào các nội dung của các điều khoản quy định thương nhân phải được quy định theo hướng hiện diện rõ hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các đối tượng này, tránh tác động xấu đến hoạt động thương mại lành mạnh của nền kinh tế cũng như tránh phân biệt đối xử giữa các loại thương nhân với nhau và coi đây là một nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương.

Sẽ quy định rõ hơn nữa sự khác biệt giữa biện pháp tạm ngừng xuất khẩu và nhập khẩu

Về các biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định về biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu là không vi phạm với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới cũng như các khuôn khổ hội nhập mà nước ta đã tham gia. Đây là thẩm quyền của nhà nước, cần phải tổ chức thực hiện để đảm bảo lợi ích của nhà nước, lợi ích của phát triển kinh tế- xã hội cũng như lợi ích của doanh nghiệp trong hội nhập, bảo hộ trong những vấn đề khu vực trong nước, nhưng tất nhiên phải có nguyên tắc và có những lý do xác đáng.

Vì vậy, Bộ trưởng cho biết, sẽ làm rõ hơn nữa, phân biệt rõ hơn nữa sự khác biệt giữa biện pháp tạm ngừng xuất khẩu và nhập khẩu cũng như các biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, để trong dự Luật phải nêu một cách cụ thể minh bạch công khai những nguyên tắc này để các văn bản dưới luật cũng như văn bản hướng dẫn được thực hiện có đủ cơ sở, đồng thời tránh được tình trạng có thể lạm dụng, lợi dụng về cơ chế quyền lực, tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước.

Một số biện pháp liên quan đến hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu trong đó kể cả hạn ngạch thuế quan rồi chỉ định cửa khẩu, chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, các biện pháp quản lý theo giấy phép điều kiện theo tinh thần nguyên tắc như nêu trên, bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp thu bằng các văn bản mà các đại biểu Quốc hội đã nêu trong các cuộc họp của tổ cũng như tại hội trường. Sẽ làm rõ tất cả những nội dung nội hàm này mà các đại biểu đã nêu và sẽ có phương án cụ thể để tiếp thu và trên cơ sở vẫn phù hợp với các hội nhập, phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo trong xây dựng Hiến pháp cũng như định hướng trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Đặc biệt là phù hợp với những thực tiễn trong giai đoạn sắp tới đây khi Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các quy định thương mại tự do mới mà chúng ta đang tham gia.

Đặng Mai- Minh Hằng