Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong kiểm soát công nghệ

07/11/2016

Sáng 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Kỳ họp thứ 2          Ảnh: Đình Nam

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết về cơ bản, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với các nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh, trong thời đại khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đến với một tốc độ chưa từng có, trong lúc đó thiết bị, máy móc của chúng ta đã lạc hậu 2- 3 thế hệ là thách thức lớn đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làn sóng công nghệ lạc hậu vẫn hàng ngày, hàng giờ tìm sơ hở của chúng ta để đưa vào Việt Nam. Vì thế việc ban hành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) là một nội dung rất cấp thiết.

Trước đó, trình bày Tờ trình dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Điều 5, Điều 12 và Điều 26 của dự thảo Luật quy định những nội dung mới nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhằm hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và phát triển bền vững của quốc gia.

Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với các sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, tăng cường trách nhiệm quản lý công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ có liên quan trong việc kiểm soát công nghệ tại các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), dự án sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ (từ Điều 52 đến Điều 55 của Dự thảo Luật).

Đồng thời, nhất trí với quan điểm cần thiết bổ sung quy định về việc phải thẩm định công nghệ đối với Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư để khắc phục tình trạng thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát một số công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường được nhập khẩu vào nước ta và hành vi chuyển giá thông qua hoạt động CGCN, đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định, quy định quy trình, thời gian thẩm định, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng… Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai, thực hiện đối với tất cả các dự án, đặc biệt là các dự án FDI.

Thực tế thời gian qua, cùng với tiến trình cải cách, công tác thẩm định dự án đầu tư được cải cách về thủ tục hành chính, giảm bớt những khâu chồng lấn để bảo đảm rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư. Chủ trương giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm là chủ trương đúng đắn của nhà nước nhằm tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, giảm dần sự kiểm soát của nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những bất cập, đặc biệt là vấn đề sử dụng công nghệ trong các dự án đầu tư. Theo Luật Đầu tư  năm 2014, chỉ những dự án sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo Luật Chuyển giao công  nghệ thì cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư mới phải gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ. Chính vì vậy, không thể kiểm soát công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Mặc dù đặt ra quy định về hậu kiểm nhưng trong thực tế, việc kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, thực hiện dự án còn chưa được chú trọng. Chỉ đến khi phát sinh những vấn đề nổi cộm như tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người,… thì các cơ quan quản lý mới thực sự vào cuộc. Và như vậy chi phí xử lý môi trường, khắc phục hậu quả rất tốn kém và hậu quả khôn lường, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, nếu nội dung công nghệ không được kiểm soát chặt chẽ thì việc giải quyết hậu quả sẽ rất khó khăn và tốn kém. Chính vì vậy, cùng với thủ tục thông thoáng, nhà nước phải đặt ra cơ chế kiểm soát công nghệ lạc hậu, công nghệ gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến phát triển bền vững của quốc gia là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Bảo Yến