Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình làm rõ nhiều nội dung tái cơ cấu nền kinh tế

03/11/2016

Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã dành hai ngày 2/11 và 3/11 để thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ nhiều nội dung tái cơ cấu nền kinh tế trước sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội               Ảnh: Đình Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 không phải là một đề án mới mà là một bước tiếp nối cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung những điểm mới gắn với điều kiện cụ thể của giai đoạn 2016-2020, nhằm thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 339. Do vậy, kế hoạch không nêu lại một số nội dung đã được thống nhất trong đề án mà tập trung nhấn mạnh những nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện, nhằm thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh chúng ta đang tụt hậu xa hơn với thế giới và khu vực, nếu không có nhận thức đúng, coi tái cơ cấu là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa sống còn để hành động quyết liệt hoặc làm chậm quá trình này thì chúng ta rất khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới. Đồng thời, nếu không đặt mục tiêu cao thì không thể có động lực và sự thúc ép để thực hiện tái cơ cấu nhanh, quyết liệt được. Từ đó làm cho kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn của nợ công, bội chi và tụt hậu, cũng như không thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Khẳng định, tái cơ cấu nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách; cũng là vấn đề rất khó, phức tạp, phạm vi rộng và liên quan đến nhiều khía cạnh, từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận đến thể chế, nguồn lực và lợi ích; Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ: 

Về bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế là một quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế với một quy mô lớn hơn và với một tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một đòi hỏi khách quan của quá trình vận động và phát triển, trong đó tại một thời điểm nhất định nền kinh tế cần có sự thay đổi để chuyển sang một trạng thái mới tốt hơn và ở một trình độ cao hơn.

Về quan điểm tái cơ cấu nền kinh tế, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã nêu rõ 5 quan điểm là tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng nhà nước kiến tạo, từng bước tạo điều kiện để cơ chế thị trường giữ vai trò ngày càng quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, giải pháp đột phá có trọng tâm, trọng điểm; hội nhập quốc tế và tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời, nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở giảm dần, tiến tới xóa bỏ cách tiếp cận hành chính thiếu hiệu quả, chuyển sang áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quyết định kinh tế. Lấy khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân làm động lực để tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, qua thảo luận, góp ý tại tổ và hội trường của các đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo kế hoạch đã tiếp thu và bổ sung làm rõ và nhấn mạnh hơn quan điểm về thích ứng với biến đổi khí hậu trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Tái cơ cấu nền kinh tế là để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới là tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, phương thức tăng trưởng là phải kết hợp hiệu quả giữa chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, chuyển dần chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa vào đồng thời cả đầu tư xuất khẩu và thị trường trong nước được thực hiện trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Định hướng là tăng trưởng nhanh, bền vững, hiệu quả, coi trọng yếu tố con người và vì con người, trong đó giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân. Động lực tăng trưởng phải lấy nội lực làm yếu tố quyết định, ngoại lực làm yếu tố quan trọng và mang tính đột phá, lấy phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Về chỉ tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế là tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu chủ yếu sau đây: mục tiêu tăng năng suất lao động trong 5 năm tới đạt 5,5%; Về hiệu quả của nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư là hệ số ICOR dự kiến khoảng 5-5,5%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh kế dự kiến gia tăng lên 32 đến 35%. Về năng lực cạnh tranh, đến năm 2020 kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong tốp 4 hoặc 5 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN về năng lực cạnh tranh và nằm trong top 3 hoặc 4 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN về môi trường kinh doanh.

Về nội dung chủ yếu tái cơ cấu nền kinh tế, trên cơ sở 5 nội dung trọng tâm và 10 nhiệm vụ ưu tiên và các đề án nhiệm vụ tái cơ cấu cụ thể được nêu ra trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và một số ý kiến thảo luận thì đã đề xuất thêm một số nội dung và giải pháp cụ thể quyết liệt hơn trong việc thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, cải thiện thể chế quản lý đầu tư công, tái cơ cấu khu vực, sự nghiệp công, hành chính công, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường tích tụ ruộng đất, tăng cường tái cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và tăng cường liên kết vùng kinh tế.

Về nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế ở đây không phải là một nguồn lực riêng mà đặt trong tổng thể khuôn khổ nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 6,5 đến 7%. Trong đó nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỷ.

Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế dự kiến cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, trong đó ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, nhất là đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước. Vốn nhà nước dự kiến sẽ giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31% đến 34% trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, vốn của khu vực tư nhân trong nước dự kiến sẽ tăng từ 38,3% đến 45%, 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ mà điều quan trọng phải sử dụng hiệu quả nguồn lực mà trước hết là nguồn lực của nhà nước. Chính vì vậy, cần phải thực hiện một cách khẩn trương và hiệu quả nhiệm vụ ưu tiên của tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm: Đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng các biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém. Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất, theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt. Tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện thể chế đầu tư công, thực hiện nghiêm Luật ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung ứng dịch vụ công. Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn yếu kém trong tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính trực tiếp làm cho tái cơ cấu nền kinh tế tiến hành chậm, không đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế lần này tập trung, quan tâm nhiều hơn đến khâu tổ chức thực hiện với một số quan điểm chú ý như sau: yêu cầu các bộ, ngành, các cấp chính quyền, địa phương phải coi tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành mình, địa phương mình. Chính phủ cần có một bộ phận chuyên trách chỉ đạo tập trung và liên tục đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu trên phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng. Định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội, tăng cường giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức liên quan khác đối với tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Bảo Yến