Tái cơ cấu kinh tế phải gắn với phát triển vùng, nâng cao liên kết kinh tế vùng

02/11/2016

Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã dành hai ngày 2/11 và 3/11 để thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Vấn đề phát triển kinh tế vùng, tăng cường liên kết vùng được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập.

Liên kết giữa các địa phương còn hạn chế

Phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII và qua các kỳ Đại hội thứ IX, X, XI, XII, vấn đề này đều được tiếp tục làm rõ và định hướng chiến lược phát triển vùng. Trong quá trình thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nước ta đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn- Đà Nẵng phát biểu tại Hội trường                           Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn- Đà Nẵng, việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Liên kết vùng hiện nay vẫn còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau, một số nơi là số ghép cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản chỉ trên tinh thần tự nguyện cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài đảm bảo sự thực hiện lâu dài, nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp chỉ rõ nền kinh tế của 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua là nền kinh tế riêng lẻ, chưa phải là nền kinh tế chung của cả vùng. Với vị thế là vựa gạo của cả nước xuất khẩu 90%, thủy sản 70% nhưng điều trớ trêu thu nhập bình quân đầu người lại thấp hơn thu nhập bình quân của cả nước. Những năm vừa qua, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại nền sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cách làm như hiện tại, mỗi nơi mỗi kiểu thì suy cho cùng vẫn là một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, rời rạc, không đủ sức cạnh tranh trong thời hội nhập và cũng không thể ứng phó nhanh với việc biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khó lường.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng tái cơ cấu kinh tế vùng chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng, đại biểu Nguyễn Thị Yến- Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng do chưa vì mục tiêu phát triển chung, thiếu liên kết, phối hợp phân tán và cạnh tranh giữa các địa phương, cục bộ, lợi ích đã không phát huy, trái lại làm giảm, làm triệt tiêu động lực phát triển kinh tế vùng, hạn chế cạnh tranh quốc tế, làm ảnh hưởng phát triển kinh tế đất nước, thất thu nguồn ngân sách quốc gia.

Phát huy vai trò chỉ đạo, điều phối của Chính phủ trong phát triển kinh tế vùng

Đại biểu Lý Tiết Hạnh- Bình Định phát biểu tại Hội trường

Trước thực trạng trên, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Bình Định cho rằng định hướng tái cơ cấu nền kinh tế cần tập trung làm rõ hơn nữa nội dung phát triển kinh tế vùng gắn với quy hoạch và phát triển ngành, lĩnh vực của quốc gia. Đại biểu đề nghị cần có sự chỉ đạo, điều phối của Chính phủ thông qua hoạt động của các bộ, ngành; Chính phủ phải cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng và các bộ, ngành trung ương trên cơ sở quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, lĩnh vực của quốc gia tham gia các chương trình dự án cụ thể gắn với lợi thế của từng vùng. Trên cơ sở đó gắn kết triển khai phát triển kinh tế - xã hội vùng có hiệu quả.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị thời gian tới Chính phủ cần có giải pháp khắc phục triệt để, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, đánh giá trách nhiệm đối với bộ, ngành, địa phương hàng năm. Đặc biệt phân công các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách các vùng kinh tế trọng điểm làm tổng chỉ huy chỉ đạo và điều phối.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉ đạo rà soát lại quy hoạch tổng thể các chiến lược để phát triển nền kinh tế cả nước nói chung đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, cần tập trung và cho cơ chế đặc thù của việc thí điểm liên kết phát triển kinh tế vùng Đồng Tháp Mười.

Cho rằng, vấn đề cốt lõi của việc tái cơ cấu và liên kết vùng là phân bổ lại và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, đảm bảo có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước trong từng chương trình, dự án cụ thể trên các lĩnh vực, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất các giải pháp cụ thể:

Một là hoàn thiện quy định của pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chú trọng phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng nề, nghiên cứu xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước, chủ động hợp tác quốc tế trong việc sử dụng bền vững nguồn nước  xuyên quốc gia.

Hai là quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung cầu thị trường gắn với mục tiêu, hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Các địa phương cần thiết phải thành lập và tăng cường các mối liên hệ, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân nhằm tổ chức hình thành mối liên kết sản xuất thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ hơn. Đầu tư cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, nghiên cứu khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng và các vùng miền trong cả nước.

Ba là tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cốt lõi là ưu tiên cho giao thông huyết mạch liên vùng, đường bộ, đường thủy, đường hàng không và hệ thống các cảng biển theo quy hoạch vùng. Quan tâm đầu tư các hệ thống thủy lợi nhằm cung cấp ổn định nước ngọt cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hệ thống ngăn mặn đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lâu dài.

Giải trình trước Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng là một nội dung của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, tập trung vào tái cơ cấu kinh tế vùng và nâng cao liên kết kinh tế vùng, giảm chia cắt không gian phát triển theo địa giới hành chính cấp tỉnh.

Theo đó quy định chặt chẽ sự phù hợp giữa các cấp quy hoạch từ quy hoạch tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành một cách cụ thể và tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và phát huy hiệu quả trong khai thác, sử dụng nguồn lực của đất nước, khắc phục tình trạng chia cắt quản lý cục bộ ngành, tính cát cứ của các địa phương, giải quyết các vấn đề xung đột về lợi ích mang tính liên ngành và xung đột giữa các địa phương. Trước mắt Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại quy hoạch của hai vùng là Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phù hợp với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập quốc tế.

Bảo Yến