Cần ban hành chính sách thuế đảm bảo tính trung lập, công bằng và hợp lý

01/11/2016

Sáng 1/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm 2011-2015 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Các đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế cần được khắc phục, đặc biệt là về quản lý thu thuế, phí, chi tiêu còn lãng phí, hiệu quả chưa cao.

Theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2011- 2015 khoảng 20- 21%GDP đã giảm mạnh so với giai đoạn trước, kéo theo việc tăng bội chi Ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc miễn, giảm thuế chưa thật tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh trên diện rộng. Việc sửa đổi một số luật thuế chưa thực sự bảo đảm tính đồng bộ, hợp lý. Trong cơ cấu thu Ngân sách nhà nước, nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu từ bán tài sản nhà nước, tăng sản lượng dầu thô thì số tăng thu từ nội lực nền kinh tế không lớn, phản ánh một phần chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Về cơ cấu thu: Chính phủ xây dựng quy mô thu Ngân sách nhà nước tăng gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước; tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu Ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng từ 67,8% giai đoạn trước lên mức khoảng 87- 88% vào cuối giai đoạn.

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh cơ cấu thu Ngân sách nhà nước theo hướng tăng thu từ nội địa nền kinh tế, giảm thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu là hợp lý, tạo sự ổn định, bền vững nguồn thu Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 20%/năm là khá cao (so với giai đoạn trước 15%), đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, những yếu tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Đồng thời, việc xây dựng quy mô thu Ngân sách nhà nước tăng như Chính phủ trình là khá cao so với mức tăng quy mô của GDP, tiềm ẩn rủi ro về khả năng thu Ngân sách nhà nước. Vì vậy, để đảm bảo dự toán thu Ngân sách nhà nước khả thi hơn, Chính phủ cần trình Quốc hội điều chỉnh dự toán khi có biến động của kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán thu Ngân sách nhà nước

Về các chính sách thuế, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các sắc thuế theo hướng cơ cấu lại thu Ngân sách nhà nước, như tăng thu nội địa, tăng tỷ trọng thu từ thuế, phí, lệ phí để bảo đảm sự vững chắc của thu Ngân sách nhà nước, hạn chế việc bị tác động bất lợi bởi giá dầu thô, thu từ thuế Xuất nhập khẩu và các yếu tố bên ngoài.

Tại phiên thảo luận, phần lớn các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2011- 2015 và định hướng kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016- 2020 của Chính phủ trình trước Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội. Tuy nhiên, về thu ngân sách các đại biểu đề nghị tránh ban hành các chính sách làm giảm thu làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Trong đó, đề nghị sớm sửa đổi một số Luật thuế để đáp ứng yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm và đề nghị chú trọng đến một số nguồn thu như Thuế tài sản thu từ lợi tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước cũng như chính sách thuế cần ban hành nhưng phải đảm bảo tính trung lập, công bằng và hợp lý.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết- An Giang phát biểu tại Hội trường

Phát biểu liên quan nội dung này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết- An Giang cho rằng, mức độ vi phạm Luật thuế vẫn tiếp tục diễn biến ngày càng cao. Hầu hết ở các địa phương và các loại hình doanh nghiệp đã phát hiện trong việc vi phạm thuế và các khoản khác lên hơn 4000 tỷ đồng. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần soát xét các loại thuế miễn giảm vừa qua, tránh tình trạng giảm miễn thuế mất nguồn thu ngân sách nhưng thực tế không tác động tích cực đến chuyển biến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp hiện nay chuyển biến chậm và một số chính sách miễn giảm thuế vừa qua cần quan tâm. Đại biểu này nêu ví dụ về doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng trên thị trường nội địa phải nộp thuế VAT 5%, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không phải chịu thuế, đồng thời các thương lái cũng không chịu thuế nộp thuế, do đó không khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp hay việc đưa phân bón vào diện không chịu thuế VAT, nhiều doanh nghiệp cho rằng làm khó cho doanh nghiệp và nông dân khuyến khích việc nhập phân bón.

Đại biểu Đỗ Thị Lan- Quảng Ninh cho rằng, việc sử dụng các nguồn hỗ trợ, mục tiêu, các chính sách thuế chưa mang lại hiệu quả, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư một số dự án của doanh nghiệp nhà nước, lãng phí trong đào tạo và lãng phí trong chi thường xuyên, sử dụng đất đai và tài nguyên.

Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục thuế triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, có xác thực của cơ quan thuế trong phạm vi cả nước. Đây là giải pháp hữu hiệu, chống thất thu thuế và đảm bảo minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của các tổ chức kinh tế, tránh được tiêu cực trong đổi mới quản lý thuế. Đại biểu nhấn mạnh, cần cần bố trí nguồn lực để cho Bộ Tài chính cũng như Tổng cục thuế và các địa phương sớm triển khai có hiệu quả đề án này.

Đại biểu Đỗ Thị Lan- Quảng Ninh phát biểu tại Hội trường                                           Ảnh: Đình Nam

Đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, cơ cấu lại chi ngân sách hợp lý, đồng thời có kế hoạch hàng năm với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; Yêu cầu quy định trách nhiệm thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chương trình giám sát việc thực hiện hàng năm cũng như việc thực hiện trong 5 năm đối với các quy định pháp luật trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đề ra, để nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các nguồn chi tiêu ngân sách và phát triển kinh tế- xã hội.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm- Phú Thọ cho rằng, kế hoạch tài chính ngân sách hiện nay chỉ đề cập đến ngân sách nhà nước vay trả nợ là chưa đầy đủ; cần bổ sung thêm các quỹ tài chính nhà nước quan trọng như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ tích lũy trả nợ, những đổ vỡ mất cân đối của các quỹ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước. Đồng thời với quy mô thu tăng 1,65 lần so với giai đoạn 2011- 2015 tốc độ tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 20%, giai đoạn 2011- 2015 là 15%, nguồn thu từ điều chỉnh chính sách thu khoảng 300 nghìn tỷ. Đại biểu này cho rằng kế hoạch thu khá chông chênh và rủi ro, dư địa thời gian để cải cách thu không còn nhiều nhưng Chính phủ dự kiến đến 2019 mới trình sửa đổi Luật quản lý thuế, 2020 mới trình dự thảo Luật thuế tài sản, các sắc thuế khác chưa rõ lộ trình rà soát sửa đổi.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ cải cách thuế, trọng tâm là mở rộng cơ sở thu nội địa, áp dụng thuế tài sản, rà soát lại các ưu đãi thuế hiện nay đã bất cập, giàn trải không phát huy được tác dụng của chính sách ưu đãi và ảnh hưởng lớn đến nguồn thu.

Giải trình tại Hội trường về các ý kiến của các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, do những nguyên nhân khách quan, đặc biệt sự suy thoái của kinh tế thế giới, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết số 10 năm 2011 quyết định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 6,5-7% một năm, tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước không quá 22-23% một năm. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ đang rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế theo đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công, đã báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Chính trị thống nhất, tới đây sẽ ra nghị quyết về đề án này theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng XII.

Đặng Mai - Minh Hằng