Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo công tác thi hành án năm 2016 Ảnh: Đình Nam
Trình bày báo cáo công tác thi hành án năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết kết quả thi hành án dân sự là đã thi hành xong 530.428 việc (tăng 30.388 việc), đạt tỷ lệ 78,53%, trong tổng số là 821.216 việc phải thi hành, với 675.429 việc có điều kiện thi hành. Tổng số tiền thi hành xong 29.097 tỷ đồng (tăng 7.800 tỷ đồng). Kết quả thi hành án hành chính, đã có văn bản đôn đốc đối với 274 việc việc (đạt 100%); đã thi hành xong 179 việc, còn 95 việc chưa thi hành xong.
Tuy nhiên, số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau tuy giảm so với năm 2015 (giảm 14,66% về việc và 19,05% về tiền) nhưng vẫn còn 145.001 việc với số tiền trên 57.000 tỷ đồng. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm. Về thể chế, tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS còn chậm. Về công tác cán bộ thì số lượng công chức bị xử lý kỷ luật vẫn còn nhiều (96 trường hợp) và có dấu hiệu tăng (tăng 14 trường hợp so với năm 2015).
Nguyên nhân của tình trạng trên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân tích là do số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước trong khi biên chế của các cơ quan THADS còn chưa tương ứng với khối lượng công việc. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc truy tìm hoặc chưa kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản của đương sự để bảo đảm thi hành án; cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập còn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc xác minh điều kiện thi hành án. Cơ chế thi hành án hành chính chưa phù hợp, hiệu quả; ý thức về thi hành án hành chính chưa cao. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra còn hạn chế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải- Hòa Bình: Tại sao sau gần hai năm mà tồn tại hạn chế lại chậm được khắc phục
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải- Hòa Bình nêu rõ những tồn tại yếu kém trong công tác thi hành án dân sự của năm 2014 đã được chỉ ra từ gần hai năm trước thì nay lại được lặp lại gần như nguyên vẹn tại báo cáo công tác thi hành án năm 2016. Trong đó, những tồn tại như số tiền và số việc có điều kiện thi hành phải chuyển kỳ còn lớn; số công chức vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp có dấu hiệu gia tăng; tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật còn chậm tiếp tục được nhắc đến.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao sau gần hai năm mà tồn tại hạn chế lại chậm được khắc phục, thậm chí có những hạn chế có dấu hiệu gia tăng? Phải chăng do chưa tìm được đúng nguyên nhân nên chưa thể có giải pháp hữu hiệu khắc phục những yếu kém, hạn chế? Và cho rằng nếu không phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc các nguyên nhân thì rất có thể các hạn chế này lại tiếp tục gia tăng và xuất hiện trong các báo cáo các năm tiếp theo.
Cho biết thêm đứng dưới góc độ dân nguyện, qua theo dõi đơn thư và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, cho thấy hiện tượng cán bộ thi hành án vi phạm pháp luật không chỉ gây mất uy tín của ngành nói riêng mà còn ảnh hưởng tới lòng tin của người dân đối với hệ thống pháp luật, đôi khi gây ra tâm lý hoang mang trong nhân dân, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu sắc hơn nguyên nhân của tình trạng này, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng này trong tương lai.
Đối với thi hành án dân sự, đại biểu cho rằng báo cáo nên cân nhắc phân tích và đánh giá sâu sắc hơn nữa, toàn diện hơn nữa về trách nhiệm thực hiện quyền kiểm sát trong thi hành án dân sự của Viện kiểm sát để từ đó phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, nợ đọng án cũng như khiếu nại tố cáo trong công tác thi hành án.
Nhận thấy nội dung đánh giá nguyên nhân tồn tại hạn chế trong công tác thi hành án hành chính rất mờ nhạt, nằm lẫn trong đánh giá công tác thi hành án dân sự, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị Chính phủ bổ sung thêm phần đánh giá tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân trong công tác thi hành án hành chính; đồng thời chỉ ra những giải pháp hiệu quả bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực của các bản án, quyết định hành chính của toà án như kiến nghị trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.