Xác định 2 trụ cột- 5 nội dung trọng tâm- 10 nhiệm vụ ưu tiên trong tái cơ cấu nền kinh tế

20/10/2016

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, chiều 20/10 Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020.

Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Cần thiết xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đạt được những kết quả nhất định như môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thuận lợi. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đảm bảo. Thực hiện ba trọng tâm tái cơ cấu của nền kinh tế đã đạt được một số kết quả bước đầu. Thể chế đầu tư công từng bước được hoàn thiện. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước từng bước được thực hiện, tập trung trước hết vào cổ phần hóa, cải thiện quản trị doanh nghiệp và hạn chế tình trạng đầu tư ngoài ngành chính của các doanh nghiệp. Thị trường tài chính dần đi vào ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất cho vay trung bình giảm. Tái cơ cấu các ngành kinh tế đã đạt được một số thay đổi về chuyển dịch tỷ trọng các ngành. Tái cơ cấu vùng kinh tế được chú trọng thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra không ít hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Theo đó, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện. Môi trường vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế chưa tạo ra được sự thay đổi tích cực đủ lớn trong cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội ngành. Thực hiện tái cơ cấu vùng kinh tế chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng.

Trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, do giai đoạn 2011- 2015 tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra; kết quả thực hiện tái cơ cấu 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục cho thấy nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn của nền kinh tế chưa tạo sự vững chắc cần thiết để đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu trong Đề án tổng thể tái cơ cấu 2013-  2020, khắc phục hạn chế trong thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua và đáp ứng yêu cầu nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 86 của Quốc hội cũng như bối cảnh mới.

Tờ trình của Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

Về tác động dự kiến của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Tờ trình của Chính phủ cho rằng, theo kết quả đánh giá định lượng, việc thực hiện quyết liệt hoặc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới đều mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế và mô hình tăng trưởng, như làm gia tăng mạnh tốc độ tăng trưởng GDP, kìm giữ lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu quả đầu tư và góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế. Trong đó kịch bản tái cơ cấu quyết liệt tạo ra những kết quả rõ ràng hơn, đặc biệt trong trung hạn và dài hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Xác định 2 trụ cột- 5 nội dung trọng tâm- 10 nhiệm vụ ưu tiên trong tái cơ cấu nền kinh tế

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ xác định tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ và thực chất theo hai trụ cột bổ trợ và tăng cường lẫn nhau, bao gồm: Trụ cột thứ nhất, đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội và Trụ cột thứ nhất, tập trung tái cơ cấu và hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế.

Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm (bao gồm 2 trụ cột tái cơ cấu kinh tế) nêu trên, Chính phủ đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.

Các nội dung tái cơ cấu trọng tâm được xác định là: Thứ nhất, thát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; Thứ hai, tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu NSNN và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; Thứ ba, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các TCTD và thị trường chứng khoán; Thứ tư, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; Thứ năm, tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Để thực hiện 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm nêu trên, đạt được các chỉ tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện, bao gồm: (1) Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương; (2) Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt; (3) Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công ; (4)Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường; (5) Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các TCTD; (6) Mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm; (7) Hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch; (8) Tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất và thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp; (9) Khuyến khích mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên, theo các quy định sản xuất xanh, sạch, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản và bảo đảm chất lượng nông sản trên thị trường; (10) Bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả.

Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Đánh giá cao việc chuẩn bị Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng 05 nhóm nội dung tái cơ cấu đã bao quát các lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; tuy nhiên cần làm rõ căn cứ lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên theo từng nhóm nội dung; nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ có vai trò lớn đối với an ninh tài chính, nâng cao hiệu quả, động lực phát triển sản xuất cũng là nhiệm vụ ưu tiên. Từng nhiệm vụ cần tập trung nguồn lực bảo đảm rõ ràng; xác định các nhiệm vụ kèm theo lộ trình hoàn thành, xác định rõ phương thức phân bổ nguồn lực như yêu cầu trong Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị trong nội dung Kế hoạch cần cân nhắc sớm hoàn thành ba trọng tâm tái cơ cấu (đầu tư công, DNNN và các tổ chức tín dụng), tập trung nguồn lực tái cơ cấu khu vực công, ngành kinh tế, vùng kinh tế. Gắn tái cơ cấu kinh tế với hội nhập kinh tế, gắn tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ với tái cơ cấu nông nghiệp; quan tâm phát triển mạnh du lịch và kinh tế biển; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao; phát triển thị trường lao động, cân đối cung cầu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động; đồng thời tăng tính liên kết giữa các địa phương trong vùng.

Nhận định việc tổ chức thực hiện Kế hoạch thường là khâu yếu nhất, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phải quyết liệt hơn trong vấn đề này; đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 để nâng cao tính pháp lý triển khai tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Bảo Yến