Đảm bảo quyền và lợi ích cho người khuyết tật

25/11/2009

(VOV) - Việc ban hành Dự án Luật Người khuyết tật là cần thiết để người khuyết tật đư­ợc hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con ngư­ời; tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội

Sáng nay (24/11), Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Người khuyết tật. Dự án Luật Người khuyết tật được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998.

 

Dự thảo Luật có 9 chương 43 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Người khuyết tật là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam được hưởng các chính sách quy định của Luật này, trừ những chính sách dành riêng đối với công dân Việt Nam.

 

Sau 10 năm thi hành Pháp lệnh về người tàn tật, những chính sách như chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, giáo dục hoà nhập, vận động xã hội tham gia giúp đỡ người tàn tật đã phát huy tác dụng, giúp nhiều người tàn tật hoà nhập vào cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, một số chính sách như dạy nghề, giải quyết việc làm, các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo cơ hội để người tàn tật hướng đến cuộc sống độc lập còn rất khó khăn, tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn những rào cản đối với người tàn tật, nhất là trong lĩnh vực lao động, tạo việc làm cho người tàn tật.

 

Thảo luận về sự cần thiết phải ban hành Luật, ý kiến đại biểu cho rằng cần sớm có luật về người khuyết tật để đối tượng này đư­ợc hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con ngư­ời, quyền tự do cơ bản mang tính toàn cầu và tạo điều kiện tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; đồng thời xây dựng xã hội không rào cản, theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Thập kỷ lần thứ II về người khuyết tật và yêu cầu hội nhập.

 

Về tên gọi của Luật, nhiều ý kiến đại biểu không thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo và cho rằng nên giữ tên gọi là Luật Người tàn tật như Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua vì khái niệm “người khuyết tật” rộng hơn khái niệm “người tàn tật” và như vậy các chính sách sẽ phải điều chỉnh với độ bao phủ đối tượng lớn hơn so với hiện nay, trong khi khả năng ngân sách của Nhà nước, các nguồn lực của xã hội… khó có thể đáp ứng được. Do đó, các chính sách chỉ nên tập trung vào đối tượng là người tàn tật. Mặt khác, tên gọi Luật người tàn tật là kế thừa tên gọi của Pháp lệnh hiện hành.

 

Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (đoàn Thái Bình) cùng nhiều ý kiến đại biểu khác băn khoăn về tính khả thi của Dự án Luật. Các đại biểu cho rằng, việc tổng kết 10 năm thực thi Pháp lệnh về người tàn tật cho thấy hạn chế lớn nhất đó là tính khả thi của một số chính sách và hiệu quả của việc tổ chức thực hiện. Do vậy, cần làm rõ những chính sách không đảm bảo tính khả thi, chính sách được kế thừa cũng như những chính sách mới là những chính sách nào để đảm bảo phù hợp với những quan điểm đề ra trong dự án Luật. Bên cạnh đó, khá nhiều số liệu thống kê về người khuyết tật, số liệu về việc tổ chức thực hiện từng chính sách, chế độ và quy định của pháp luật hiện hành chưa được cập nhật, còn thiếu hoặc chưa thống nhất, chưa chính xác. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc hoạch định chính sách đối với người khuyết tật.

 

Cần tạo cơ hội cho người khuyết tật hoà nhập cộng đồng

 

Đại biểu Hoàng Thị Hương (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, người khuyết tật đều muốn tham gia các hoạt động nói chung, lĩnh vực giáo dục nói riêng. Thực tế có nhiều học sinh khuyết tật có khả năng học nhưng rất khó hoà nhập với học sinh bình thường, tạo tâm lý không tốt cho các em, vì vậy đối với lĩnh vực giáo dục, luật cần quy định rõ. Nếu dự thảo Luật quy định “phương thức giáo dục hoà nhập là phương thức giáo dục chủ yếu”, sẽ ít quan tâm đến phương thức giáo dục bán hoà nhập và giáo dục chuyên biệt.

 

Đại biểu Nguyễn Kim Tiến (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, Luật Người khuyết tật đề cập tương đối toàn diện, từ giáo dục, phục hồi chức năng đến trợ cấp xã hội; trách nhiệm của các bộ, ngành đối với việc chăm sóc sức khoẻ người khuyết tật. Tuy nhiên với số lượng người khuyết tật rất lớn hiện nay, thì vấn đề tạo công ăn việc làm và nhận người khuyết tật vào doanh nghiệp cũng cần được tính đến.

 

Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắk Lắk) cho rằng Dự thảo Luật quy định nếu người khuyết tật là thương binh theo điều 41 được hưởng cả hai chế độ là chưa hợp lý. Theo đại biểu, quy định về đối tượng chính sách tại điều 34 được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm: Người khuyết tật nặng; cá nhân, hộ gia đình; hộ gia đình có từ 2 người khuyết tật nặng trở lên và đối tượng khác theo quy định của chính phủ. Đại biểu Trần Đình Long đề nghị cần khoanh lại những đối tượng người khuyết tật được hưởng trợ cấp của Nhà nước cần quy định cụ thể để tránh tình trạng quy định quá rộng các đối tượng người khuyết tật.

 

Theo chương trình kỳ họp, Dự án Luật Người khuyết tật tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 27/11 tới.

 

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.

Thanh Hà-Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn)