Đại biểu Nguyễn Thanh Phương- Cần Thơ cho rằng quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của con người đã được xác định trong tuyên ngôn của thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc từ năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1996 mà Việt Nam là thành viên. Ở nước ta cũng đã được xác định quyền thông tin là quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 và Chính phủ cũng đã chuẩn bị luật hóa quyền này từ năm 2009.
Đồng thời cuộc sống hiện đại đang làm gia tăng nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân phục vụ cho đời sống, phương pháp công bố thông tin và tiếp cận thông tin rất thuận lợi thông qua các trang điện tử, các thiết bị thông minh do vậy cũng rất khó hạn chế hay kéo dài quyền tiếp cận thông tin của công dân. Muốn minh bạch thì thông tin cần được mọi người tiếp cận để hạn chế hiểu sai, làm sai, có thể vô tình gây tác động xấu trong xã hội, thì sự ra đời của Luật tiếp cận thông tin là cần thiết và quan trọng.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn- Bình Thuận phát biểu về dự án Luật tiếp cận thông tin Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn- Bình Thuận nhận định, việc công khai thông tin, minh bạch thông tin là nhu cầu chính đáng, cấp thiết của người dân. Trong khi đó việc công khai thông tin, quy trình thủ tục về cung cấp thông tin theo yêu cầu tại các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập, có một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, thông tin không được cung cấp chính thống, chính xác, kịp thời nên đã tạo ra cơ hội tốt cho những thông tin không đúng sự thật gây dự luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội. Đại biểu Niễn khẳng định Luật tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Cho rằng, quy định như dự thảo luật là bảo đảm được quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức, tuy nhiên, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cũng cho rằng, vấn đề bí mật nhà nước hiện vẫn còn nhiều nội dung chưa được cụ thể, thiếu thống nhất về độ mật nên đã hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Do đó, cần phải làm rõ tính chất mật của tài liệu, tài liệu mật phụ thuộc vào chủ thể ban hành hay phụ thuộc vào nội dung thông tin. Đại biểu đề nghị, cần có thêm những quy định cơ bản về những vấn đề này vào dự thảo luật nhằm tránh tình trạng chủ thể ban hành tài liệu lợi dụng quy định về độ mật gây cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Lạng Sơn phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Lạng Sơn cũng nhấn mạnh công dân có quyền tiếp cận thông tin không bị cấm. Quy định cơ quan nhà nước nào tạo ra thông tin thì phải có trách nhiệm cung cấp thông tin và quy định theo nhóm cụ thể như trong dự thảo theo đại biểu là chưa phù hợp, chưa đầy đủ và không bao quát về các trường hợp dễ nảy sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện; chưa xác định đầy đủ các cơ quan có liên quan và trách nhiệm của các cơ quan này.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, vấn đề này cần thay đổi theo cách tiếp cận thông tin được tổ chức từ nguồn tạo ra thông tin, sang tiếp cận theo hướng tính chất thông tin và nguồn tạo ra thông tin. Đây là cách tiếp cận mang tính chất hệ thống, sẽ làm rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, phạm vi thông tin được tiếp cận, những thông tin gì cần hạn chế hoặc nằm trong bí mật.
Đại biểu Hà Huy Thông- Thừa Thiên Huế phân tích, nên chia ra làm 4 loại thông tin để ràng buộc và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ. Một là những thông tin bắt buộc phải công bố như chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, pháp luật hay những bản quy hoạch, vấn đề này có thể dẫn đến quy hoạch đô thị, quy hoạch địa phương... đây là những loại tin bắt buộc phải công bố. Hai là những thông tin cung cấp theo yêu cầu. Ba là thông tin hạn chế được tiếp cận như liên quan đến đời tư, buôn bán, kỹ thuật kinh doanh hay những án đang xử. Bốn là những bí mật của Nhà nước được phân ra các loại tài liệu mật, tài liệu tối mật, tài liệu mật và tối mật.
Đại biểu Hồ Thị Thủy- Vĩnh Phúc đề nghị, cần quy định cụ thể danh mục các loại thông tin cần được công khai, tránh các quy định trừu tượng, mật mờ dễ áp dụng tùy tiện dẫn tới hạn chế quyền của công dân như trong trường hợp cần thiết nếu xét thấy cần thiết có thể từ chối cung cấp thông tin tổn hại nghiêm trọng đến hiệu quả hoạch định chính sách số lượng lớn.v.v... Theo đó, tất cả các cơ quan nhà nước đều có trách nhiệm công khai cung cấp các thông tin theo danh mục này, đồng thời quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc công khai cung cấp thông tin.
Đại biểu Ngô Thị Minh- Quảng Ninh phát biểu về dự án Luật tiếp cận thông tin
Đồng quan điểm, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cần có danh mục cụ thể để dân được biết, ví dụ như: thông tin quy hoạch đô thị, thông tin về đấu thầu, mua sắm, sửa chữa…bởi khiếu kiện thường tập trung những thông tin dạng này. Trong khi đó, đại biểu Phùng Đức Tiến- Hà Nam cho rằng các thông tin như kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, sử dụng vốn ngân sách, vốn ODA; kết quả khảo sát, đánh giá, nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, xã hội do các cơ quan nhà nước tiến hành… bắt buộc công bố để người dân có thể thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Mặt khác, theo đại biểu Ngô Thị Minh- Quảng Ninh lại đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cấm sử dụng, cung cấp thông tin vi phạm bí mật đời tư, vi phạm cá nhân, gia đình, ảnh hưởng đến sự sống còn, sự phát triển của trẻ em bởi Hiến pháp đã quy định quyền bí mật đời tư của công dân, bí mật gia đình, quyền nhân thân không ai được quyền xâm phạm khi chưa được phép của người đó, kể cả với trẻ em.