Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

24/10/2009

Chiều 23.10, Quốc hội làm việc tại Hội trường. Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã nghe Tờ trình các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010

* Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010: cần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong chi tiêu ngân sách

 

* Nghe Tờ trình các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2010

 

 

Sáng 23.10, QH đã thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010.      

 

Cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về những kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, tuy nhiên, nhiều ĐBQH chưa đồng tình với cách quản lý và sử dụng ngân sách của Chính phủ thời gian qua. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, trong bối cảnh suy giảm kinh tế, thu ngân sách không giảm mà còn tăng (?) và mức bội chi ngân sách vẫn ở mức cao - ước đạt 6,9% GDP. Đáng chú ý là có những nội dung chi không có trong dự toán mà QH đã thông qua, nhưng vẫn chi vượt hàng tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều khoản chi cho việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội, do chưa có cơ chế ban hành kèm theo, nên mặc dù tiền đã được chuyển về các địa phương, nhưng lại chưa được giải ngân. Do vậy, tình trạng phổ biến trong thực hiện dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2009 là nơi thiếu vốn vẫn thiếu và nơi thừa vẫn thừa - ĐBQH Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn - điều này gây lãng phí lớn và hiệu quả sử dụng ngân sách không cao. Thực tế, dù tình hình kinh tế đất nước khó khăn, nhưng năm nào, báo cáo thu ngân sách của các địa phương cũng đạt hoặc vượt kế hoạch được giao và bội chi ngân sách thì gần như không giảm. Đây là điểm không hợp lý. Đồng thuận với nhận định này, tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều ĐBQH cho rằng, đã đến lúc cần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong chi tiêu ngân sách.

 

Trong khi việc chi tiêu ngân sách còn nhiều tồn tại, hạn chế thì việc nuôi dưỡng nguồn thu lại chưa tốt. Có những nguồn thu lớn từ đất đai, nhưng do quá trình cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp lại bị thất thoát hoặc rơi vào tay các doanh nghiệp tư nhân. Như phản ánh của ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) là thu ít và chi nhiều. Trong điều kiện bội chi ngân sách chưa có dấu hiệu giảm, nhiều ĐBQH đề nghị, cần đẩy mạnh phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Trong thu ngân sách nhà nước, thuế là nguồn thu lớn và chủ yếu - ĐBQH Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) đặt vấn đề - tuy nhiên, nguồn thu này đang bộc lộ nhiều tồn tại. Năm 2009, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng xấu tới kinh tế trong nước, việc đưa ra và triển khai chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm một số loại thuế là đúng đắn và phù hợp, nhưng chưa công bằng. Cách thức điều chỉnh các sắc thuế chưa phù hợp với nhiều doanh nghiệp. Trong đó, có những điều chỉnh gần như mang tính áp đặt đối với doanh nghiệp. Điều này chưa tạo điều kiện cho việc nuôi dưỡng nguồn thu. Đây là điểm các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, điều chỉnh trong thời gian tới, chú ý khi ban hành một chính sách thuế cần cân bằng lợi ích của các bên, bảo đảm việc nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Về dự toán ngân sách năm 2010, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, đây là mức tăng chưa thật tích cực. Bởi, năm 2010, với triển vọng phục hồi kinh tế, nhu cầu cũng như giá hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng; các chính sách miễn, giảm và giãn thuế kết thúc thì khả năng thu ngân sách sẽ tăng, nhất là thu nội địa và thu từ xuất khẩu... Do vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc lại dự kiến tổng thu cân đối ngân sách nhà nước.

Về dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước bằng 6,5% GDP của Chính phủ, đa số ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc. Bởi, theo tính toán về mức bội chi ngân sách trong 2 năm ( 2009 và 2010) thì dự kiến số tuyệt đối tăng cao gần gấp 2 lần so với năm 2008 và vượt xa mức giới hạn cho phép là 5% GDP. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nguồn chi từ vốn trái phiếu Chính phủ tăng liên tục ở mức 50 - 60 nghìn tỷ đồng cộng với một số khoản chi khác chưa được tính vào bội chi ngân sách thì thực tế bội chi ngân sách năm 2009 chắc chắn cao hơn con số mà Chính phủ báo cáo với QH. Bội chi ngân sách liên tục tăng cao thì nguy cơ hiện hữu là rủi ro cho an ninh tài chính quốc gia cũng như gia tăng khả năng tái lạm phát.

 

Chiều 23.10, Quốc hội làm việc tại Hội trường. Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã nghe Tờ trình các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010.

 

Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày, Luật Giáo dục hiện hành được QH ban hành năm 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi hành, Luật Giáo dục cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực thi hành và đáp ứng được yêu cầu của thực tế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả quản lý giáo dục

 

Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi trình bày nhấn mạnh: việc sửa đổi lần này chỉ tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc mà thực tiễn đang đòi hỏi. Còn việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục cần phải có thời gian nghiên cứu công phu, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thật đầy đủ việc thi hành Luật Giáo dục, cùng với việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020 cũng như đề án tổng thể về cải cách giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng, nhiều quy định của dự thảo Luật còn chung chung. Ví dụ như quy định về việc xây dựng chương trình giáo dục và chương trình sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong cộng đồng các nhà chuyên môn cũng như trong dư luận xã hội nhưng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể, chặt chẽ về vấn đề này. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị: cần quy định ngay trong Luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các Hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập về vấn đề này, trong đó có tình trạng quá tải về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa.

 

Tiếp đó, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: việc thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giải quyết tốt hơn nhu cầu nhà ở, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp thì việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của hai Luật Thuế nhằm tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường nhà ở xã hội là hết sức cần thiết. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng mức thuế suất thấp nhất là 5% đối với nhà ở để bán, cho thuê cho các đối tượng nêu trên; áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất trong khung pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa, cụ thể là áp dụng mức thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo.

 

Tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách do Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển trình bày khẳng định: việc đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp đang là vấn đề xã hội bức xúc cần phải có cơ chế khuyến khích phát triển. Đa số thành viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng nhất trí với việc điều chỉnh thuế suất áp dụng cho nhà ở xã hội như đề nghị của Chính phủ nhằm góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp tiếp cận với nhà giá rẻ, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, đi đôi với việc áp dụng thuế suất ưu đãi, dự thảo Luật cần bổ sung quy định nhằm xác định tiêu chí về nhà được hưởng thuế suất ưu đãi nhằm tránh lợi dụng pháp luật để trốn thuế. Đồng thời có cơ chế kiểm soát việc áp dụng và thực hiện trên thực tế chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích đến được đúng đối tượng.

 

Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010 do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn trình bày, đề nghị QH xem xét đưa vào chương trình giám sát tối cao của QH tại Kỳ họp thứ Bảy chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học. Và giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ Tám chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Vũ Đào - Lâm Hiển

(http://nguoidaibieu.com.vn)