Cần quy định cụ thể trường hợp được miễn và được giảm phí, lệ phí

18/06/2015

Sáng 18/6, tiếp tục chương trình thảo luận về Dự án Luật phí, lệ phí, vấn đề về miễn giảm phí, lệ phí được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đa số các đại biểu cho rằng, trong dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về trường hợp nào được miễn, trường hợp nào được giảm phí, lệ phí.

Đại biểu Phùng Đức Tiến-Hà Nam                                                                                                                               Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phùng Đức Tiến-Hà Nam nhận định, việc đặt ra quy định về miễn giảm phí, lệ phí là cần thiết. Các đối tượng được miễn giảm theo quy định tại Điều 9, dự thảo luật là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa, thống nhất giữa Luật phí, lệ phí với các luật thuế hiện hành thì trong luật cần quy định cụ thể hơn về trường hợp nào được miễn, trường hợp nào được giảm phí, lệ phí và mức hoặc khung miễn giảm tối đa cho từng trường hợp.

Hơn nữa, do tính chất của phí và lệ phí là người đi làm dịch vụ và nộp phí, lệ phí là người thụ hưởng dịch vụ công đôi khi không phải là một, do vậy theo đại biểu luật nên quy định rõ nguyên tắc giảm phí, lệ phí cho người đi làm dịch vụ và nộp lệ phí, phí hay cho người thụ hưởng dịch vụ công. Việc quy định rõ ràng vấn đề này để tránh tình trạng lợi dụng trốn tránh nghĩa vụ nộp phí, lệ phí.

               Đại biểu Hà Sỹ Đồng-Quảng Trị

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng-Quảng Trị cho rằng, về miễn giảm phí và lệ phí, tại Điều 9 của dự thảo quy định quá chung, không rõ ràng, việc để Chính phủ quy định cụ thể từng đối tượng được miễn giảm đối với từng loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí có thể dẫn đến tình trạng tản mạn trong các quy định không thống nhất giữa các đối tượng và loại phí, lệ phí được miễn giảm.

Đồng thời, trẻ em, người cao tuổi, hộ nghèo có thể được xác định không thống nhất giữa các văn bản luât, đại biểu đề nghị vấn đề này cần được quy định rõ ràng, cụ thể như sau: Tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc xác định đối tượng là trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng để được miễn, giảm phí và lệ phí hợp lý. Mức miễn, giảm cụ thể cho các đối tượng này tùy theo tỷ lệ phần trăm hoặc các nguyên tắc khác. Từng đối tượng được áp dụng miễn, giảm từng loại phí và lệ phí.

                   Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh-Bình Định

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh-Bình Định bảy tỏ, Bác Hồ có nói: "Chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Công bằng đối với người dân rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến ổn định trật tự xã hội. Vì vậy, đối với việc quy định đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí chúng ta cần cân nhắc rất thận trọng.

Tiếp xúc cử tri chúng ta cũng thường nghe cử tri kiến nghị tại sao đối tượng này được miễn giảm nhưng đối tượng khác thì không? Đại biểu Quốc hội cũng không thể giải thích thỏa đáng được, vì việc miễn, giảm không phải do Quốc hội quyết định, cuối cùng là xin tiếp thu ý kiến của cử tri và đề nghị Chính phủ sẽ xem xét.

 Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, việc đảm bảo công bằng đối với người dân, quyết định ai được miễn, được giảm phí, lệ phí, được giảm bao nhiêu thì nên do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, sẽ phù hợp hơn là giao cho Chính phủ quyết định.

               Đại biểu Triệu Là Pham-Hà Giang

Đại biểu Triệu Là Pham-Hà Giang cũng đồng tình cao với nhiều đại biểu đã phát biểu trước về việc quy định miễn giảm phí, lệ phí đối với trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng không nên giao cho Chính phủ quá nhiều trong việc quy định đối với các đối tượng miễn giảm phí và lệ phí. Vì đối với dự án luật này là một dự án luật rất ngắn, chỉ có 6 chương và 23 điều, không nên giao cho Chính phủ quy định quá nhiều, dẫn đến tình trạng khi luật có hiệu lực pháp luật rồi không tổ chức thi hành được và dẫn đến tình trạng luật chờ thông tư và thông tư chờ nghị định.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị luật nên quy định cụ thể luôn đối với đối tượng miễn giảm và các thủ tục miễn giảm như các giấy tờ cá nhân cần thiết chứng minh cho việc mình thuộc đối tượng được miễn giảm để khi luật có hiệu lực có thể thi hành được ngay.

An Vy