Đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo về dự án Luật phí và lệ phí. Dự án Luật đã thể hiện được sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, góp phần quản lý chặt chẽ, bổ sung nguồn thu cho ngân sách.
Dự án Luật cũng mở ra sự xã hội hóa trong lĩnh vực này, từ việc xác định phí, lệ phí và những dịch vụ của các tổ chức, cá nhân được áp dụng theo cơ chế giá dịch vụ, để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn-Trà Vinh Ảnh: Văn Bình
Đại biểu Trần Quốc Tuấn-Trà Vinh đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về sự cần thiết phải ban hành các hành vi nghiêm cấm trong Luật phí và lệ phí. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự án Luật cần quy định bao quát hơn, chặt chẽ hơn đối với các trường hợp đã phát sinh trong thực tiễn, như hành vi vi phạm về chế độ quản lý, thu nộp phí, lệ phí, như nộp chậm, nộp thiếu, thâm hụt, sử dụng các khoản thu phí và lệ phí sau quy định.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị dự án Luật cần bổ sung thêm một khoản quy định về xử lý vi phạm đối với các hành vi bị nghiêm cấm. Có như vậy, khi luật này được ban hành mới đảm bảo các khoản phí và lệ phí sẽ được thu đúng, thu đủ và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Đại biểu Phùng Đức Tiến-Hà Nam
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phùng Đức Tiến-Hà Nam bày tỏ, trong luật không quy định cụ thể về các hình thức vi phạm và chế tài trong lĩnh vực phí, lệ phí. Luật cũng không trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này. Do vậy, đại biểu cho rằng cần bổ sung các quy định về các hình thức vi phạm và chế tài trong lĩnh vực phí, lệ phí vào trong luật hoặc giao cho Chính phủ quy định.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường-TP Hà Nội nhận định, trên thực tế có nhiều khoản phí được quy định khá rõ ràng nhưng các tổ chức, các cá nhân không tuân thủ nghiêm túc quy định này. Ví dụ mức thu phí trông xe đạp quy định 2.000đ, xe máy 5.000đ, ô tô 10.000đ, thường được thu với mức cao hơn 2-3 lần so với quy định mà không có chế tài xử lý.
Chính vì vậy, ngoài việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào dự luật quy định chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân tự đặt ra các mức phí, các loại phí, thu phí trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cũng cần quy định thêm về chế tài xử lý đối với hành vi không nộp đủ, không nộp đúng về số lượng tiền và thời gian nộp, số phí đã được thu vào ngân sách nhà nước để bảo đảm tính nghiêm minh khi luật được triển khai.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường-TP Hà Nội Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Trương Văn Vở-Đồng Nai nhận thấy dự án Luật quy định chưa đủ, chưa rõ. Đại biểu đề nghị ngoài quy định nghiêm cấm tự đặt ra các khoản phí, lệ phí cần bổ sung thêm quy định về hành vi cấm trong quản lý thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí, nhất là tình trạng phụ thu, lạm thu, chiếm dụng, chậm nộp và sử dụng không đúng mục đích, kể cả kèm theo hành vi bị cấm, nghiêm cấm là biện pháp chế tài.
Đại biểu Triệu Là Pham-Hà Giang đề nghị, nên quy định bổ sung thêm "đối với các đối tượng chây ỳ, trốn tránh, thông đồng mua bán hóa đơn, chứng từ và quản lý sử dụng phí, lệ phí sai mục đích. Vì thực tế các hành vi này đã và đang diễn ra. Do đó, luật nên quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Đồng thời, nên quy định bổ sung thêm một điều về việc xử lý các hành vi bị nghiêm cấm hoặc các hành vi vi phạm trên.