Giáo viên là yếu tố quyết định

12/06/2015

Chiều 12/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, nhiều đại biểu yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp cần thiết để biên soạn chương trình sách giáo khoa mới có hiệu quả nhất.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính-Tiền Giang                                                                                                         Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Huỳnh Văn Tính-Tiền Giang cho rằng, điểm nhấn rất quan trọng của ngành giáo dục trong năm 2015 là việc triển khai cải cách chương trình sách giáo khoa. Đại biểu băn khoăn về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý của ngành để phục vụ cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa đạt hiệu quả tốt nhất.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cho ngành giáo dục đều là 3 nội dung quan trọng, không thể coi nhẹ bất cứ nội dung nào và cần phải được triển khai đồng bộ để việc đổi mới chương trình sách giáo khoa được hiệu quả nhất.

Bộ trưởng nhấn mạnh, dù ở lĩnh vực nào, con người luôn đóng vai trò là một yếu tố quan trọng. Bởi vậy, trong giáo dục, đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định, nhất là trong thời điểm thực hiện đổi mới, chúng ta càng phải hết sức chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy-Đà Nẵng                                                                                                                         

Liên quan đến vấn đề chạy thử nghiệm chương trình sách giáo khoa mới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy-Đà Nẵng cho biết, trong đợt biên soạn chương trình sách giáo khoa mới này, Bộ đã chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc đó cho các tổ chức, cá nhân biên soạn tự thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời câu hỏi: Liệu kết quả thử nghiệm do chính tác giả thực hiện và công bố có đảm bảo tính chính xác, khách quan hay không?; và làm sao cử tri yên tâm về chất lượng và tính khả thi của bộ chương trình sách giáo khoa mới này?

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ, cả nước chỉ có một bộ chương trình sách giáo khoa thống nhất và Quốc hội đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, biên soạn chương trình này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa khác.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn các đại biểu                                                                                                 

Lý giải lý do khi giao việc thử nghiệm cho các tổ chức, cá nhân biên soạn tự triển khai, Bộ trưởng cho biết, chỉ có chính người biên soạn mới nắm được ý đồ, ý tưởng để thực hiện. Hơn nữa, các tổ chức, cá nhân này không phải triển khai thử nghiệm một mình, mà sẽ có cơ chế để các hội đồng thẩm định, các nhà khoa học, các nhà quản lý thuộc lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực có liên quan tham gia vào hội đồng để đánh giá để đảm bảo tính khách quan.

Về chất lượng của bộ sách giáo khoa mới, Bộ trưởng khẳng định, Bộ đã thực hiện biên soạn chương trình sách giáo khoa mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88/2014/QH13. Đó là, đổi mới trên cơ sở kế thừa những thành tựu, tinh hoa tốt đẹp; bổ sung, hoàn thiện những nội dung thiếu; chưa đáp ứng; loại bỏ những cái quá tải, không cần thiết, không phù hợp với phương châm giáo dục mới. Do vậy, những nội dung cũ mà chúng ta đã thực nghiệm, đã làm tốt nhiều năm rồi sẽ được giữ lại, không cần phải thử nghiệm nữa. Còn nội dung mới bổ sung cần thì phải có quá trình thử nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo-Hải Dương                                                                                                                

Đi sâu vào vấn đề biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo-Hải Dương đặt ra băn khoăn về những giải pháp để huy động được các nhà nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu xã hội học cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa để đảm bảo chương trình mới phù hợp với những đặc điểm văn hóa, xã hội Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng khẳng định, Bộ đang bắt đầu huy động các nhà khoa học, các nhà giáo, các cán bộ quản lý trong và ngoài ngành giáo dục ở cả trong và ngoài nước, các nhà khoa học quốc tế cũng như các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại các cơ sở ở nước ngoài tham gia vào quá trình này.

Bộ trưởng nói thêm, khi biên soạn sách giáo khoa, Bộ cũng đã tham khảo các chương trình giáo dục tiên tiến của nhiều nước trên thế giới; nhận được sự phối hợp, giúp đỡ từ nhiều nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng sự cộng tác, giúp đỡ của các Bộ giáo dục và bạn bè đồng nghiệp quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ sẽ tiếp tục duy trì cơ chế này trong quá trình hoàn thiện chương trình, biên soạn và tổ chức thẩm định chương trình sách giáo khoa mới.

Nguyễn Phương