Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm Chính phủ đã có ban hành chính sách cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất, khi đó ngư dân chủ động được về vốn từ nguồn của Nhà nước và không bị phụ thuộc về vốn hay phải tạm ứng về vật tư, lương thực, thực phẩm khi ra khơi từ thương lái để rồi khi về phải bán sản phẩm cho thương lái, trong đó một số trường hợp bị ép giá.
Thực hiện chủ trương này đã có nhiều ngư dân đã được vay vốn, với tổng số vốn cho vay ban đầu là 23 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai chủ trương này và thực hiện tổ chức lại sản xuất, hình thành tổ đội sản xuất, hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến, trực tiếp thu mua sản phẩm do ngư dân đưa về bờ.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết- Bà Rịa Vũng Tàu Ảnh: Văn Bình
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết- Bà Rịa Vũng Tàu về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tại sao chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ trong thời gian qua chậm phát huy tác dụng. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết chủ trương này đã có từ lâu và hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện. Với việc ban hành Nghị định 67, Chính phủ đã vào cuộc và hỗ trợ trực tiếp mạnh mẽ hơn đặc biệt là hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá.
Với sự nỗ lực của ngư dân thì số lượng tàu đánh bắt xa bờ cũng đã tăng lên rất mạnh, từ khoảng hơn 20.000 chiếc tại thời điểm đầu nhiệm kì đến hết tháng 5 này đã lên tới 30.000 tàu và mã lực bình quân của một con tàu cũng được tăng lên. Hiện nay, ngư dân tiếp tục được hỗ trợ các phương tiện, các kỹ thuật để đánh bắt có hiệu quả hơn.
Đại biểu Mã Điền Cư - Quảng Ngãi Ảnh: Đình Nam
Về việc thực hiện Dự án khu neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn mà đại biểu Mã Điền Cư-Quảng Ngãi chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn thừa nhận việc đầu tư, xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền ở các cảng cá còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.
Bộ đang hướng dẫn các địa phương đăng ký về việc đầu tư, yêu cầu đầu tư xây dựng các cảng cá, các khu neo đậu tầu, thuyền và đến nay đã có 211 cảng được đăng ký, 131 khu neo đậu tầu, thuyền. Bộ đang huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vay vốn ODA để triển khai thực hiện và đã thực hiện được 83 cảng, 65 khu neo đậu tàu thuyền.
Khẳng định hiểu rất rõ vị trí quan trọng của khu neo đậu Lý Sơn, Bộ trưởng Cao Đức Phát nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu để kiểm tra và tiếp tục đôn đốc việc thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như phối hợp với các bộ tổng hợp, huy động nguồn vốn để thực hiện.
Về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, theo Báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chính phủ đã nghiên cứu, ban hành Nghị định 68/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản và dành khoản kinh phí 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát
Theo đó, Chính phủ đã quyết định kinh phí đầu tư hàng năm từ năm 2015 đến năm 2020 tăng tối thiểu gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2014, bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định; tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo (Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ) và một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ; bố trí vốn đầu tư xây các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn cả về thời hạn vay và lãi suất; ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; cũng như nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá...
Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát lại, xem xét chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, diêm dân, lâm dân, ngư dân, nhất là đối với ngư dân đánh bắt xa bờ. Đi liền với chính sách hỗ trợ người dân đánh bắt xa bờ là tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển một cách tích cực và có hiệu quả, tạo niềm tin, niềm phấn khởi cho người dân ra biển.