Đại biểu Thân Đức Nam phân tích, do thiếu chính sách phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ nên sau 20 năm thu hút đầu tư về ngành ô tô là không thành công. Liệu hội nhập sắp tới có cần một bộ luật để ban hành về hỗ trợ công nghiệp hay không? Nếu không cần ban hành luật thì đề nghị Chính phủ có giải pháp gì?
Đại biểu Thân Đức Nam-Đà Nẵng Ảnh: Đình Nam
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này kết quả còn rất hạn chế.
Bộ trưởng cho biết, chúng ta mới có Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Qua 3 năm, quyết định này phát huy tác dụng còn hạn chế, vì thế cho nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về công nghệ hỗ trợ.
Năm 2014 Bộ Công thương đã chủ trì và triển khai việc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, các ngành, của các địa phương, tổ chức rất nhiều hội thảo với các địa phương, với các doanh nghiệp và trình Chính phủ xem xét, thông qua thẩm tra của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, văn bản dự thảo lần thứ 6 cũng chưa được thông qua. Lý do có 2 vấn đề chính nhưng chưa giải trình được một cách thấu đáo.
Một là, vấn đề hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công thương hiểu rằng, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không nói phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Bản thân sức của họ cũng rất hạn chế, cho nên nếu bước chân vào làm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu không có sự đỡ đầu, sự hỗ trợ ban đầu thì rất khó cho họ và đây không thể thiếu vắng bàn tay của Nhà nước.
Tuy nhiên, Nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế là phải chi tiêu rất nhiều cho lĩnh vực cấp bách khác, không thể hỗ trợ trực tiếp quá nhiều cho lĩnh vực này.
Thứ hai, các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thành lập các trung tâm trợ giúp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Bộ đã giải trình các trung tâm này sẽ tận dụng những cơ sở hiện có, ví dụ như các trường đại học, các Viện nghiên cứu, chỉ bổ sung thêm trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính, chúng ta đang sắp xếp lại bộ máy thì không thể tăng thêm nhân lực cho các loại hình này.
Bộ trưởng thẳng thắn: “Chính vì thế việc trình Chính phủ nghị định này chưa làm tròn trách nhiệm trong đó có trách nhiệm cá nhân tôi. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội như vậy. Rất thành thực xin nhận khuyết điểm.”
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng Ảnh: Nam Nguyễn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thân Đức Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra một số giải pháp để khắc phục những hạn chế về công nghiệp hỗ trợ để giúp cho nền công nghiệp phát triển.
Trước hết, Bộ trưởng cho rằng phải tận dụng tốt những quy định pháp luật hiện có liên quan đến doanh nghiệp hỗ trợ, gần đây nhất là Luật đầu tư trong đó địa bàn và lĩnh vực khuyến khích đầu tư, trong địa bàn cũng như lĩnh vực khuyến khích đầu tư có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hay Luật sửa đổi, bổ sung một số luật thuế mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 dành một số ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thứ hai, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vừa qua Bộ Công thương ban hành quy hoạch về phát triển 6 nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ.
Thứ ba, tổ chức tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để trao đổi và bàn về khả năng các doanh nghiệp lớn có thể đặt hàng cho các doanh nghiệp nhỏ.
Thứ tư, cố gắng lồng ghép kết hợp công nghiệp hỗ trợ với chương trình liên quan đến cơ khí, như chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt chương trình thử nghiệm, chế tạo tổ máy phát điện công suất 600MW các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia. Những vấn đề này chúng tôi đã triển khai trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công thương cảm ơn Quốc hội trong kỳ họp này đã thông qua chương trình bổ sung, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, theo đó Luật về khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được Quốc hội xem xét vào năm 2016, liên quan đến công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định sẽ bàn thảo với các Bộ có liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch Đầu tư cơ quan được giao chủ trì về xây dựng dự thảo Luật khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, xem khả năng có cần thiết có một luật riêng nữa về công nghiệp hỗ trợ hay không.