Đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015

09/06/2015

Sáng 8/6, thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, đánh giá xử lý nợ xấu dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối, gánh nặng của nhà nước trong thời gian qua. Với mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015, các đại biểu đã đề nghị một số giải pháp cho vấn đề trên.

Theo Báo cáo “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2015”, Ủy ban Kinh tế cho biết, nợ xấu ngân hàng ổn định không có biến động lớn qua các năm.

Cuối năm 2011 nợ xấu chiếm 3,07%, cuối năm 2012 nợ xấu chiếm 4,08%, cuối năm 2013 nợ xấu chiếm 3,61%, cuối năm 2014 nợ xấu chiếm 3,25%, ngoài ra, đến ngày 21/12/2014, Công ty quản lý tài sản tổ chức tín dụng (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt 79,3 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 2% dư nợ) mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa-Đà Nẵng cho rằng, nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Đại biểu bày tỏ quan ngại khi chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường bởi qua 3 năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu.

Đặt câu hỏi, Bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu để cứu vãn nền kinh tế hiện nay?, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị phải tư duy phương pháp xử lý nợ xấu theo nguyên lý thị trường, “tiền tươi thóc thật”, sòng phẳng và gắn với tình trạng của thị trường bất động sản. Phải tránh “nguy cơ ảo tưởng” là có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu.

Đại biểu Lê Thị Yến-Phú Thọ                                                                                                              Ảnh: Đình Nam

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015, đại biểu Lê Thị Yến-Phú Thọ cũng đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém.

Đưa ra giải pháp bằng cách Nhà nước trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém để trở thành chủ sở hữu duy nhất, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng, việc này sẽ giúp nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc tái cơ cấu ngân hàng, hạn chế sự gia tăng rủi ro sang các tổ chức tín dụng khác.

Giải pháp này cũng tận dụng được năng lực tài chính, quản trị, điều hành và kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại nhà nước mà “không bắt” các ngân hàng này phải gánh chịu tổn thất.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện. Việc này góp phần xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, vừa hình thành các tổ chức tín dụng có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn hơn.

Đại biểu cho rằng, cần tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát, xử lý một số vấn đề như: sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định, vi phạm pháp luật về sở hữu vốn của tổ chức tín dụng hay việc đẩy mạnh thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro kém hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo-Vĩnh Phúc                                                                                                                      

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo-Vĩnh Phúc đề nghị cần đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ổn định tỷ giá thị trường ngoại hối, giảm lãi suất, mở rộng phương thức tiếp cận nguồn vốn cho vay đối với nhiều thành phần kinh tế một cách bình đẳng.

Mặt khác, cần sớm xây dựng đề án mô hình thị trường mua, bán nợ và có cơ chế đặc biệt cho VAMC để giải quyết nợ xấu; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để phát hành trái phiếu của VAMC.

Đức Phương