Không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai

05/06/2015

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 5/6 dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường nghe Báo cáo và thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện                                                                                  Ảnh: Nam Nguyễn

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cơ quan điều tra đã khắc phục được những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây.

Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Nhưng cũng có trường hợp bị oan chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bị oan.

Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã hạn chế đáng kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra loại án thường dẫn đến oan sai chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Qua giám sát cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những sai phạm chủ yếu dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm, đó là do việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn bất cập, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Nhiều trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam còn chưa chính xác, sau đó phải chuyển xử lý hành chính…

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các Đoàn giám sát ở địa phương. Chỉ trong thời gian ngắn, các đoàn đã hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, tìm hiểu, nghiên cứu tình hình ở các địa phương để đánh giá, phân tích, đưa ra những ý kiến, góp ý chính xác, thiết thực giúp cơ quan điều tra, truy tố, xét xử ở địa phương nhìn nhận một cách đầy đủ, đúng đắn về kết quả cũng như những hạn chế, thiếu sót của mình trong quá trình áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

Từ đó, đề ra biện pháp cụ thể khắc phục, đảm bảo hạn chế mức thấp nhất những việc làm không đúng pháp luật, những vi phạm dù là nhỏ nhất để dẫn đến làm oan người dân vô tội, bỏ sót, bỏ lọt tội phạm; góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nhất quán phương châm không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định                                                                                                            Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định cho rằng, Báo cáo lần này đã nêu ra rõ ràng hơn về những con số, kết quả trong công tác giám sát; đây sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành, các cấp, trước hết là các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử chấn chỉnh các hoạt động của mình, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong điều tra, truy tố, xét xử để giảm oan, sai cho người vô tội.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị, Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát cũng như Báo cáo chi tiết về kết quả giám sát cần được gửi cho các ngành, các địa phương, thậm chí tới các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của từng tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc.

Đại biểu Thích Thanh Thuyết- Quảng Ninh                                                                                                                        

Theo đại biểu Thích Thanh Thuyết- Quảng Ninh và một số đại biểu cho rằng, nội dung Báo cáo mới chỉ đề cập đến vấn đề oan, sai trong tố tụng hình sự mà chưa nói lên được những thử thách, khó khăn, nỗ lực của các cơ quan chức năng để có được thành tích, kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Như vậy, chưa thực sự toàn diện và chưa động viên được tinh thần của cán bộ tư pháp. Bởi thực tế cho thấy, tình hình tội phạm có rất nhiều diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ nguy hiểm, phương thức thủ đoạn, phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt, các cơ quan điều tra đã có nhiều nỗ lực tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Về tình hình oan sai thuộc cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh đề nghị, trong 27 án oan, sai thuộc trách nhiệm Viện kiểm sát được nêu trong báo cáo, cần làm rõ có bao nhiêu trường hợp oan sai do năng lực chuyên môn của kiểm sát viên, bao nhiêu trường hợp cố ý làm sai, bao nhiêu trường hợp đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự sai để tránh bồi thường, bao nhiêu trường hợp do thống nhất một chiều với cơ quan điều tra dẫn đến oan sai; đồng thời, làm rõ lý do và những hình chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh                                                                                                                               

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với một số kiến nghị của Đoàn giám sát, theo đó: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; nghiêm túc chấp hành pháp luật trong việc bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, triển khai các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ, chống bức cung, nhục hình; nâng cao chất lượng điều tra, kỹ thuật khám nghiệm hiện trường; Viện Kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền điều tra trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật, tránh nể nang, phối hợp nhất trí một chiều trong việc phân loại, xử lý tội phạm ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Nguyễn Phương-Hồ Hương