Chuẩn bị các nguồn lực để có thể triển khai “càng sớm càng tốt”

04/06/2015

Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng 4/6, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sớm xây dựng và đưa sân bay đi vào hoạt động trước năm 2025.

Theo Báo cáo tóm tắt về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Chính phủ, dự kiến tiến độ triển khai dự án: giai đoạn 1: 2016-2025; giai đoạn 2: 2030-2035; giai đoạn 3: 2040-2050.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình-TP Hà Nội cho rằng, Quốc hội cần sớm thống nhất chủ trương và lộ trình lập, đánh giá, phê duyệt, báo cáo khả thi dự án sân bay quốc tế Long Thành. Kịp chuẩn bị các nguồn lực để có thể triển khai “càng sớm càng tốt”. Đại biểu cho rằng, nếu đến năm 2025 mới xong giai đoạn I là quá lâu, do đó đề nghị tăng tiến độ triển khai dự án ngay từ giai đoạn I.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình -TP Hà Nội                                                                                              Ảnh: Đình Nam

Bày tỏ hoàn toàn đồng ý với chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đại biểu Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng cho biết, việc mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên công suất khai thác 50 triệu khách/năm là không khả thi vì phải đầu tư kinh phí rất lớn cho việc thu hồi đất đền bù, tái định cư. Phương án này quá tốn kém so với phương án đầu tư mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đại biểu phân tích, để nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 4-5 triệu khách/năm cần xây dựng thêm một nhà ga hành khách, công suất từ 15-25 triệu khách/năm và phải sử dụng đất quốc phòng hiện đang quản lý.

Tổng kinh phí theo phương án này ước tính khoảng 191.000 tỷ VNĐ, tương đương 9,1 tỷ USD, bao gồm cả chi phí đền bù tái định cư cho khoảng 140.000 hộ dân với khoảng 500.000 nhân khẩu, chưa tính đến việc di chuyển dân để làm đường giao thông tiếp cận.

Từ những số liệu trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị sớm thông qua chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, “nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng”.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, để tiếp tục hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần lưu ý một số vấn đề như về tổng mức đầu tư phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư và hình thức đầu tư; về bồi thường hỗ trợ tái định cư; về hiệu quả kinh tế xã hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng                                                                                                                                                

Theo đại biểu Trần Du Lịch-TP.Hồ Chí Minh, vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đã hiện rõ, hiện nay, sân bay đã mở rộng sân đỗ đến 65 chỗ để giải quyết bãi đỗ nhưng việc quá tải không lưu thì không thể giải quyết được. Đồng thời không thể để máy bay cất, hạ cánh trong khu dân cư từ 0 giờ đến 5 giờ.

Đại biểu nhận định, đây là một “yêu cầu bức xúc”, nếu làm chậm sân bay Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải và “không trở tay kịp”. Do đó, đề nghị trong vòng 5-7 năm nữa, trước năm 2025 (giai đoạn I) cần có một sân bay có công suất 25 triệu hành khách để chia tải, cùng sân bay Tân Sơn Nhất giải quyết vấn đề trên.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương-Cần Thơ                                                                                                            

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương-Cần Thơ cũng cho rằng, việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành “không thể chậm hơn được nữa”. Đại biểu cho biết, nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN, các sân bay đều được nâng cấp hoặc xây mới với quy mô lớn khoảng 100 triệu khách/năm. Việc này tăng cường giao thương với khu vực và thế giới, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cùng với đó, sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và hiệu quả của việc mở rộng sân bay này là không cao. Do đó, việc xây mới sân bay Long Thành để khắc phục các khó khăn trên là “đương nhiên và rất cần thiết”.

Đức Phương