Giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước

21/05/2015

Sáng 21/5 tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND                     Ảnh: TTXVN

Tờ trình khẳng định, việc ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cần thiết nhằm nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động giám sát thời gian qua, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Dự thảo Luật quy định nhiều nội dung: về tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; làm rõ khái niệm “giám sát” và “giám sát tối cao của Quốc hội”; hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó khẳng định rõ “giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước.

Về “giám sát tối cao” và “giám sát của Quốc hội” Dự thảo Luật quy định theo hướng chủ thể của hoạt động giám sát tối cao chỉ có Quốc hội và được thực hiện tại phiên họp toàn thể, còn chủ thể thực hiện quyền giám sát của Quốc hội thì bao gồm cả các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Nhiều hình thức giám sát của Quốc hội thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cuộc sống được Luật hóa như: giám sát theo chuyên đề (Điều 18), giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tổ chức phiên giải trình, tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp (điều 17, 29, 63 và 72), hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (điều 20, 21, 66 và 67).

Đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, dự thảo Luật cơ bản giữ quy định về chủ thể giám sát, phạm vi giám sát của Hội đồng nhân dân như quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; bố sung các quy định cụ thể trình tự xem xét, thông qua chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân.

Dự thảo Luật đã sắp xếp lại bố cục và bổ sung một số nội dung nhằm làm rõ hơn hình thức giám sát, trình tự thực hiện giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Các quy định trên của dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được quy định một cách thống nhất về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, trong đó, không chỉ xác định rõ thẩm quyền, phạm vi giám sát của từng chủ thể mà còn tăng cường sự phối hợp trong quá trình tiến hành hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

Ảnh: Nam Nguyễn

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được xây dựng một cách công phu, chất lượng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, lấy ý kiến chuyên gia đảm bảo đúng quy trình luật định. Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm xây dựng, kết cấu, bố cục và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận vào chiều ngày 9/6 tới. Một số nội dung tiếp tục xin ý kiến của đại biểu Quốc hội: về giám sát đối với văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề của Quốc hội; hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bảo Yến