Ảnh: Hải Chung
Tham dự Tọa đàm còn có các đại biểu là thành viên các Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số tổ chức quốc tế cùng nhiều đơn vị, Bộ, ngành có liên quan.
Tọa đàm đã trao đổi các vấn đề về tổng quan về tình hình phòng, chống HIV/AIDS, nhu cầu điều trị, phân bổ nguồn lực những năm qua cho thuốc ARV (viết tắt của thuốc Antiretrovaral là một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể), nhu cầu nguồn lực trong tương lai; phân tích của các tổ chức quốc tế về khoảng thiếu hụt trong điều trị cho người nhiễm HIV theo mục tiêu 90-90-90; hỗ trợ và hiện trạng cung ứng thuốc từ nguồn Quỹ PEPFAR và Quỹ toàn cầu, khả năng cam kết và khuyến nghị của các nhà tài trợ quốc tế đối với việc tăng nguồn lực trong nước cho thuốc ARV…
Theo số liệu thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến Quý I/2015, số ca nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam là 299.836, trong đó tính đến 31/3/2015, số người nhiễm HIV hiện đang còn sống là 227.064, số bệnh nhân AIDS là 70.865, số người nhiễm HIV đã tử vong là 72.772.
HIV là một trong 6 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam trong đó phần lớn là nam thanh niên, nữ thanh niên ở lứa tuổi sinh đẻ với ba quần thể chính là: người nghiện chích ma túy (NCMT), quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và phụ nữ bán dâm (PNBD). Dịch bệnh tập trung ở các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ, các thành phố lớn và khu vực tập trung.
Tính đến tháng 2/2015 có 93.810 người được điều trị bằng thuốc ARV và 42% số người nhiễm HIV còn sống. Việc điều trị bằng thuốc ARV sẽ làm giảm tử vong ở người nhiễm HIV, giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm lây truyền HIV sang người khác, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình, ngành y tế và tăng tuổi thọ của người nhiễm bệnh. Kinh phí dành mua thuốc ARV những năm vừa qua chủ yếu do nguồn viện trợ (chiếm trên 94%).
Theo ông Oliver Cavey, chuyên viên cao cấp quản lý Quỹ toàn cầu tại Việt Nam (The Global Fund), 2 khoản tài trợ mới cho Cục phòng, chống HIV, Bộ Y tế và Liên hiệp Hội các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) được bắt đầu từ 1/7/2015 sẽ tập trung vào các nhóm nguy cơ cao như NCMT, MSM và PNBD. 80% số kinh phí tài trợ sẽ chi tiêu cho các can thiệp có hiệu quả tác động cao cho 3 nhóm có nguy cơ cao này tại 30 tỉnh/ thành phố có mức độ dịch cao và trung bình.
Tuy nhiên, đại diện The Global Fund cho rằng, Việt Nam thực sự vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài chính của tổ chức tài trợ cho cuộc chiến với HIV. Kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho phòng chống HIV năm 2014 bị cắt giảm tới 50% so với năm 2013, kinh phí năm 2015 không tăng so với năm 2014.
Đánh giá kinh phí tài trợ đang cắt giảm xuống mức rất thấp, nhưng không có triển vọng được gia tăng, chuyên gia Olivier Cavey cho rằng, nguồn kinh phí trong nước phải được tính toán để đầu tư cho các khoản kinh phí điều trị khi các nhà tài trợ rút viện trợ sau năm 2017.
Tại Tòa đàm, các đại biểu đã đề nghị Chính phủ cần có nguồn kinh phí đầu tư bền vững, cố định hàng năm từ ngân sách trung ương để mua thuốc ARV; phân bổ kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ưu tiên tăng tỷ trọng kinh phí mua thuốc ARV đáp ứng đủ nhu cầu điều trị; thành lập 1 đơn vị chịu trách nhiệm lập kế hoạch ngân sách hàng năm và mua sắm tập trung thuốc ARV cho chương trình phòng chống AIDS. Bên cạnh đó, để hoàn thành được mục tiêu đã cam kết, các quy định, khung chính sách hiện có về hệ thống mua sắm đấu thầu phải thay đổi để cho phép nhập thuốc ARV generic, để Bộ Y tế và Quỹ Bảo hiểm y tế Quốc gia có thể thanh toán tài chính cho việc mua ARV ở các nguồn với giá hợp lý…
Đánh giá tình hình hiện nay Việt Nam nợ công còn nhiều, GDP phát triển chậm, bội chi chưa được cân đối, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai mong muốn các nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống lại đại dịch này với những lộ trình hợp lý. Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Chính phủ trong việc phân bổ ngân sách nhà nước cho những mục tiêu đã cam kết đồng thời tăng cường giám sát nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS.