Bế mạc phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

14/05/2015

Chiều 14/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bế mạc phiên họp thứ 38.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 38

Diễn ra trong 4 ngày từ 11-14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án luật gồm: Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật Trưng cầu dân ý, Luật Khí tượng thủy văn; 6 Tờ trình của Chính phủ về 6 Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước, Thái Nguyên, Bạc Liêu. Đồng thời, xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014. Đồng thời, cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các Tờ trình, Đề án của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung: phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Ủy ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự các cấp; quy định về Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 9 sắp tới là kỳ họp quan trọng, Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến về 15 dự thảo luật. Đây là những dự án luật lớn góp phần cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và cải cách bộ máy hành chính. Do đó khâu chuẩn bị phải làm một cách kỹ lưỡng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

+ Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các Tờ trình, Đề án của Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung: Phê chuẩn quyết định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao; thành lập Tòa án nhân dân cấp cao, số lượng Tòa án nhân dân cấp cao và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án nhân dân cấp cao; danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; dự kiến nhân sự trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào vấn đề về việc thành lập các tòa án nhân dân cấp cao và bổ nhiệm thẩm phán của các tòa án này.

Đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc thành lập Tòa án nhân dân cấp cao ở 3 khu vực: Bắc, Trung, Nam tương đương với 3 tòa tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, trên cơ sở sự tổng kết, đánh giá về hiệu quả và chất lượng hoạt động của các tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét có thành lập thêm 1 số tòa nữa hay không.

Về biên chế số lượng thẩm phán tòa án nhân dân cấp cao, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, biên chế của tòa án cấp cao sẽ nằm trong tổng biên chế của toàn ngành tòa án. Do đó việc biên chế phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm thực hiện đúng nghị quyết 39-NQ/TW. Cụ thể là thẩm phán tòa án nhân dân cấp cao sẽ được điều chuyển biên chế từ thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao theo Nghị quyết 473a/NQ-UBTVQH13.

Hồ Hương