Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 12

24/04/2015

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12, thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì phiên họp.

Luật Thống kê đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004. Sau khi ban hành, Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, hình thành Hệ thống tổ chức thống kê và sự phối hợp giữa Cơ quan Thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành ngày càng tiến bộ, thông tin thống kê đã góp phần giúp cho các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ quản lý và điều hành đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chưa phù hợp với thực tế hoạt động thống kê Việt Nam và thống kê quốc tế, thiếu quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã, về việc nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống phục vụ tốt hơn cho quản lý, điều hành đất nước trong thời kỳ mới… Nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thống kê, tại Kỳ họp thứ 7, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2014 và 2015; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại phiên họp thứ 36 ngày 11 tháng 3 năm 2015.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính về những quy định chung trong Dự thảo luật, về nâng cao chất lượng thông tin thống kê, khắc phục thực trạng chênh lệch số liệu thống kê, về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và về hội nhập quốc tế trong hoạt động thống kê.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đa số đại biểu nhất trí với quy định của Dự thảo luật trong việc điều chỉnh mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quy định này sẽ đảm bảo tính toàn diện, vừa khẳng định hơn nữa thông tin thống kê và số liệu thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước công bố có giá trị pháp lý, vừa bảo đảm tôn trọng quyền của tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, do tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước nên Dự thảo luật chủ yếu tập trung vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện. Đối với hoạt động thống kê của tổ chức, cá nhân, Dự thảo luật chỉ quy định về phạm vi, nguyên tắc và yêu cầu, đồng thời quy định lĩnh vực cấm hoạt động thu thập thông tin về chính trị, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng không nên quy định hoạt động thống kê của tổ chức, cá nhân vào Dự thảo luật bởi đây là một phạm vi rộng mà nhà nước không thể kiểm soát. Các ý kiến đề nghị nên để hoạt động này tự điều chỉnh theo cơ chế thị trường, cơ chế xã hội. Các đại biểu đề nghị, bỏ khái niệm hộ dân cư, thay vào đó nên sử dụng quy định về cá nhân, pháp nhân.

Về vấn đề nâng cao chất lượng thông tin thống kê, khắc phục thực trạng chênh lệch số liệu thống kê giữa Trung ương và địa phương, giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, đa số đại biểu đều đồng tình với với các nhóm giải pháp mà Ban soạn thảo đưa ra là nhóm giải pháp về môi trường pháp lý; nhóm giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; nhóm giải pháp về khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần thống nhất, làm rõ giữa cách tính, cách thống kê từ Trung ương xuống địa phương, giữa các bộ, ngành; cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và chế tài xử phạt giữa các cấp, ngành, tránh tình trạng chồng chéo, thông tin thiếu, sai lệch.

Nhất trí với Dự thảo luật khi quy định giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê, các đại biểu cho rằng, việc quy định UBND cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về thống kê tại địa phương dẫn đến tình trạng địa phương sẽ giao cho các cơ quan quản lý khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại vấn đề này nhằm tránh tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý thống kê, thống nhất việc cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp các báo cáo sau này. Bên cạnh đó, cần làm rõ một số vấn đề về trình độ chuyên môn của người làm thống kê tại xã, phường, thị trấn, người trưng tập làm thống kê, tránh tình trạng quy định chung chung ảnh hưởng chất lượng số liệu thống kê.

Cho rằng cần tăng cường tính độc lập trong chuyên môn, nghiệp vụ thống kê như quy định tại Điều 5 của Dự thảo luật, một số đại biểu đề nghị, Dự thảo luật cần có một Chương riêng quy định về cơ quan thống kê, tốt nhất nên để cơ quan này độc lập và thuộc Chính phủ. Ngoài ra, cần có những quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm nhằm đảm bảo tính độc lập của cơ quan, tổ chức và cá nhân làm công tác thống kê. Trong quá trình chuyển đổi giữa Luật Thống kê 2003 và Luật Thống kê (sửa đổi), cần có những quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của cơ quan thống kê trong việc giải thích lý do điều chỉnh, thay đổi phương pháp thống kê, trách nhiệm trong việc đồng bộ giữa số liệu lịch sử với số liệu hiện tại nhằm đảm bảo cho việc nghiên cứu cũng như công tác quản lý nhà nước.

Về vấn đề hội nhập quốc tế trong hoạt động thống kê, đa số các đại biểu nhất trí với những quy định trong Dự thảo luật nhằm tăng cường năng lực thống kê quốc gia, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê, đưa thống kê Việt Nam hội nhập đầy đủ và sâu rộng với cộng đồng thống kê trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến và đề nghị Ban soạn thảo sửa lại bố cục, câu chữ, từ ngữ và làm rõ các khái niệm cho hợp lý nhằm đồng nhất với một số Luật khác.

+ Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã  thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mức kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất so với trước đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ 3 liên tục có xuất siêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi đạt khá. Niềm tin vào nền kinh tế của các doanh nghiệp được phục hồi. Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn cho phép. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,9%, cao nhất trong 3 năm qua (2012-2014) và vượt mức đề ra. Công tác cải cách hành chình, nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Công tác giải quyết khiến nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng

Trong năm 2015, Chính phủ đã đề xuất đưa ra 11 giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới như: Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế. Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước. Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thứ sáu, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thứ bảy, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ tám, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng. Thứ chín, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thứ mười, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thứ mười một, tăng cường công tác thông tin truyền thông.

Tin và ảnh Đức Phương