Thảo luận về Dự thảo Luật, cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật như: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ; về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...
Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong Dự thảo Luật vì cho rằng hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách đều đã được xác định rõ và cơ bản hợp lý. Việc đưa quy định này vào trong Luật sẽ đảm bảo tính ổn định cho cơ cấu của Chính phủ. Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út cho rằng, không nên quy định số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ, vì như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, hoạt động của Chính phủ sau này.
Ảnh: Đình Nam
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, việc không quy định số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình, phù hợp thực tiễn yêu cầu của từng thời kỳ phát triển của đất nước. Mặt khác, Khoản 1, Điều 95 Hiến pháp quy định: “cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định”, theo tinh thần đó, Quốc hội sẽ không “quy định” trong một đạo luật cụ thể mà quyết định số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ theo từng nhiệm kỳ.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, đa số đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; cụ thể hoá quy định về nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 96, Hiến pháp 2013; rà soát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực cụ thể để bảo đảm quy định đầy đủ, bao quát nhưng tránh chồng chéo, trùng lắp. Các ý kiến cũng thống nhất việc không bóc tách nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo 3 chức năng riêng: cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, đa số ý kiến ủng hộ quy định trong quá trình chờ Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền tạm thời giao quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi khuyết hai chức danh này; tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong bộ máy nhà nước. ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, trong Dự thảo Luật không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng chống tham nhũng mặc dù đây là nhiệm vụ quan trọng, được nhân dân, cử tri quan tâm, mong đợi. Do đó, ĐBQH Lê Nam đề nghị phải quy định vấn đề này vào trong Dự thảo Luật, đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và Bộ trưởng trong việc phòng chống tham nhũng.
Về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đa số các ý kiến nhất trí quy định rõ ràng, cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên của Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ; đề nghị bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.
Về quy định số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, đa số đại biểu tán thành việc xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; số lượng cấp phó của tổng cục tối đa là 4, số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu phát triển đất nước ở mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ là khác nhau, do đó cơ cấu tổ chức Chính phủ trong Dự thảo Luật nên theo hướng “do Quốc hội quyết định”, điều này cũng phù hợp như trong quy định của Hiến pháp 2013. Đối với vấn đề cấp phó, chỉ nên quy định đến cấp Thứ trưởng, Phó thủ tướng nên để Quốc hội quyết định. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, về nhiệm vụ, quyền hạn Thủ tướng trước Quốc hội, đồng bào và đất nước; làm rõ trách nhiệm của Chính phủ với vai trò là tập thể; quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng, Thứ trưởng trước ai và trước pháp luật như thế nào. Về cơ cấu, tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một Thứ trưởng thường phải phụ trách 2, 3 Tổng cục, lĩnh vực, nếu Thứ trưởng mà kiêm Tổng cục trưởng thì không cần chức danh này. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia là Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, nhưng các lĩnh vực ở địa phương phải giao cho Chủ tịch UBND.
+ Ngày 16/4, Hội nghị sẽ thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.