Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số

10/04/2015

Chiều 9/4, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 35 vừa qua, Ủy ban Pháp luật, Ban công tác đại biểu cùng các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về một số nội dung lớn: về trách nhiệm của các cơ quan trong việc chỉ đạo, tổ chức bầu cử; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu; điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử; việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Liên quan đến nội dung chỉ đạo, tổ chức bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án: Quốc hội quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chung cho toàn quốc, quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội giữa nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập cùng lúc với việc công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi hoàn thiện công tác bầu cử và công bố danh sách trúng cử. Tổ chức Hội đồng bầu cử quốc gia đảm bảo tính ổn định, kế thừa trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử trung ương; không làm phát sinh thêm bộ máy, biên chế.

Về việc xác định số lượng đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung trong dự thảo Luật quy định về nguyên tắc xác định và phân bổ số đại biểu Quốc hội được bầu cho các địa phương. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 03 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số đại biểu tiếp theo tính theo số dân và đặc điểm của địa phương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 500.

Về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, trước nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên quy định cụ thể mà Luật chỉ quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần tăng tỷ lệ đại biểu là phụ nữ và dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước mong muốn Luật sẽ góp phần đảm bảo cho tất cả các dân tộc Việt Nam đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc bảo đảm tất cả các dân tộc đều có đại diện trong Quốc hội trong bối cảnh hiện nay là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, trước mắt để tăng tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu dân tộc trong Quốc hội, Luật sẽ quy định giới hạn phải có ít nhất 18% tổng số người ứng cứ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Bảo Yến