Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng biển

08/04/2015

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 8/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển buổi họp.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 được Quốc hội khoá XI thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân nói chung và ngành hàng hải nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của ngành hàng hải nước ta trước xu thế hoạt động hàng hải của thế giới ngày càng gia tăng, là cầu nối của kinh tế hàng hải với nền kinh tế quốc dân và kinh tế biển.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày cho biết, sau 10 năm thi hành, trong quá trình tổ chức thực hiện, còn nhiều văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành. Hơn nữa, hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành với những quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải là cần thiết, bảo đảm phù hợp, thống nhất với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp với điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông hàng hải; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

Ảnh: An Đăng

Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật 2005, tuy nhiên Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần mở rộng phạm vi Bộ luật để có những sửa đổi lớn về chính sách, pháp luật như vấn đề xã hội hoá, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, nhân lực trong xã hội; cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các quy trình, thủ tục, yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong hoạt động hàng hải; nâng cao năng lực đội ngũ quản lý về hàng hải, khắc phục sự yếu kém dẫn đến thua thiệt của các doanh nghiệp trong nước trong các tranh chấp quốc tế….Từ đó tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, biến nước ta trở thành “Quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề như: phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo luật; đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển; Chính quyền cảng; phí, lệ phí hàng hải, giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận chuyển chuyên tuyến….

Về phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo luật, các đại biểu tán thành việc bổ sung quy định về tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần rà soát để bổ sung những quy định về các thiết bị hàng hải khác trong mối quan hệ với “tàu biểu”; đề nghị bổ sung chính sách cụ thể của Nhà nước trong việc khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực hàng hải theo hướng những việc không thực sự cần thiết sự tham gia của Nhà nước thì giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện.

Về việc đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể vấn đề này nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn, tránh xảy ra tình trạng nhập khẩu phế thải vào lãnh thổ Việt Nam, ảnh hưởng đến môi trường và thiệt hại về kinh tế; đề nghị cần xem xét để thống nhất với các quy định của Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư.

Về Chính quyền cảng (tổ chức quản lý khai thác cảng), nhiều đại biểu đánh giá đây là một vấn đề mới, mang tính đột phá trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Chính quyền cảng sẽ có chức năng điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong vấn đề quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng cảng biển. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn vấn đề này trong Dự thảo luật. Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, cần có cách hiểu thống nhất về các thuật ngữ pháp lý khi quy định về “Chính quyền cảng”. Chủ tịch Ksor Phước đề nghị, cần tìm từ ngữ phù hợp để thay thế thuật ngữ “Chính quyền cảng”, tránh gây sự hiểu nhầm với thuật ngữ “Chính quyền” trong quản lý hành chính. Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, cần xem xét và nếu có quy định về “Chính quyền cảng” thì phải hết sức cụ thể, chi tiết.

Ảnh: An Đăng

Về quy định phí, lệ phí hàng hải, giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận chuyển chuyên tuyến, các đại biểu cho rằng, cần xem xét các quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp, thống nhất với các quy định tại Dự án luật phí và lệ phí, Luật giá. Những quy định nào đã có trong hai luật trên thì không nên quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định về phí, lệ phí mang tính chất chuyên ngành, chuyên sâu trong lĩnh vực hàng hải nhưng cần quy định cụ thể, chi tiết, tránh những trường hợp thu sai mục đích.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng Dự thảo luật còn nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Các đại biểu đề nghị cần rà soát lại để quy định ngay trong Dự thảo luật; đề nghị chỉnh lý về mặt kỹ thuật lập pháp, từ ngữ chuẩn xác, thống nhất làm cơ sở thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện sau này.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132.

Đức Phương