Phiên họp thứ 37, Ủy ban thường vụ Quốc hội: Không hình sự hóa các quan hệ xã hội

07/04/2015

Sáng 7/4, tiếp tục Phiên họp thứ 37, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 14 năm thi hành, Bộ luật hình sự năm 1999 đã bộc lộ những điểm không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, với tinh thần của Hiến pháp 2013 cũng như định hướng của Đảng về cải cách tư pháp. Những điểm bất cập, hạn chế của Bộ luật hình sự hiện hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền dân sự của người dân.

Việc sửa đổi Bộ luật hình sự lần này nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta. 

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) có 441 điều, tăng 87 điều so với Bộ luật hình sự hiện hành, giữ nguyên 08 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều và bãi bỏ 08 điều.

Tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, các ý kiến đại biểu cho rằng: Về cơ bản dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã quán triệt và cụ thể hóa theo quan điểm chủ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như xây dựng dự án Bộ luật hình sự nói riêng nhất là yêu cầu về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như bảo đảm thực hiện những cam kết trong việc thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thảo luận về quy định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành (mở rộng nguồn của Bộ luật hình sự), đa số các ý kiến đều đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp không nên quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành. Bởi vì pháp luật hình sự là pháp luật có chế tài xử phạt hà khắc nhất, trực tiếp hạn chế và tước bỏ các quyền con người và quyền công dân. Nếu mở rộng nguồn của pháp luật hình sự tức pháp luật chuyên ngành được quy định về tội phạm và hình phạt thì sẽ hình sự hóa các quan hệ xã hội và không thể hiện được tính nhân văn trong Hiến pháp 2013. Hơn nữa, việc các luật chuyên ngành quy định về tội phạm sẽ gây khó khăn cho việc pháp điển hóa, sử dụng và nghiên cứu pháp luật. Do đó, để bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính minh bạch và dễ áp dụng thì tội phạm và hình phạt chỉ nên quy định trong Bộ luật hình sự. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, trong trường hợp phát sinh các tội phạm mới trong các lĩnh vực chuyên ngành khác sẽ bổ sung, tập hợp vào Bộ luật hình sự mà không quy định trong các luật chuyên ngành khác.

Về hạn chế hình phạt tử hình, đa số ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp. Việc hạn chế hình phạt tử hình được thể hiện trên các phương diện: giảm các tội danh có hình phạt tử hình, giảm các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình trong các tội có mức án cao nhất là tử hình và mở rộng diện không phải áp dụng thi hành án hoặc không áp dụng hình phạt tử hình.

Về phi hình sự hóa đối với hành vi chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, đa số ý kiến đều cho rằng nên giữ quy định hiện hành. Bởi chuẩn bị phạm tội cũng là một giai đoạn trong quá trình phạm tội và đã được thể hiện bằng hành vi cụ thể. Trong một số loại tội, giai đoạn chuẩn bị phạm tội có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện tội phạm đến cùng như các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố. Nếu loại trừ toàn bộ trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi chuẩn bị phạm tội thì sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm và thiếu đồng bộ giữa các quy định của các đạo luật.

Về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, hiện nay vẫn còn có hai nhóm ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì sẽ gây ra sự bất bình đẳng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự khi mà chỉ cá nhân đại diện cho pháp nhân thực hiện quyết định của tập thể phải chịu trách nhiệm hình sự một mình; cũng như không đáp ứng các yêu cầu trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước phòng chống rửa tiền, Công ước phòng chống khủng bố…Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lại cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là không hợp lý bởi chế tài hình sự là chế tài áp dụng đối với thể nhân, việc xử lý trách nhiệm của pháp nhân đã có các chế tài hành chính và dân sự. Những vướng mắc trong việc xử lý đối với pháp nhân xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện mà không phải do thiếu căn cứ pháp lý. Bên cạnh đó, nếu đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế trong một số loại tội thì sẽ không đảm bảo tính công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có hành vi tương tự.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ luật hình sự (sửa đổi) là một dự án luật quan trọng và đã nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội quyết định. Theo đó dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu vào Kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Do đó, để đảm bảo tiến độ chương trình lập pháp cũng như sự đồng bộ trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ quan soạn thảo cần chuẩn bị tốt nội dung của dự thảo Bộ luật trình lên Quốc hội. Trong quá trình soạn thảo cần có sự chuẩn bị kỹ càng, sâu sắc hơn, đẩy mạnh sự tham gia tích cực của các cơ quan đặc biệt là cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và luật sư trong việc xác định dấu hiệu phạm tội, xem xét các căn cứ truy tố và căn cứ xét xử thì luật mới phát huy được hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề quan trọng của dự án Bộ luật trước khi trình Quốc hội.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh các quy định của dự thảo Bộ luật phải đảm bảo tính minh bạch, chi tiết, cụ thể về loại tội phạm và cả khung hình phạt. Bên cạnh một số nội dung đã tìm được phương án quy định cụ thể thì những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo sẽ được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm sâu sắc hơn về nội dung, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để trình ra Quốc hội xem xét. Do đó, cơ quan soạn thảo cần bảo đảm tiến độ xây dựng luật cũng như chất lượng dự thảo khi trình ra Quốc hội vào các kỳ họp tới đây.

Bảo Yến