Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo kiến nghị bổ sung, chỉnh lý một số quy định nhằm tăng cường hiệu quả lấy ý kiến sự tham gia tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhóm nghiên cứu cho rằng, các quy định của Dự thảo luật chưa ghi nhận đầy đủ quyền được chủ động tham gia, góp ý kiến xây dựng dự thảo luật của người dân. Việc thiếu những quy định về tính minh bạch của các cơ quan nhà nước trong quá trình làm luật khiến cho công chúng không có cơ hội tiếp cận các dự án luật. Mặt khác, các quy định của dự thảo luật chưa nhấn mạnh về trách nhiệm giải trình của cơ quan làm luật trong việc phản hồi ý kiến của công chúng. Từ những hạn chế nêu trên, hội thảo đặt ra vấn đề về sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
Các đại biểu thẳng thắn cho rằng, việc tham vấn ý kiến công chúng trong xây dựng văn bản pháp luật chưa được thực hiện có hiệu quả. Mặc dù luật hiện hành có nhiều bước đột phá nhưng tư tưởng đổi mới tiến bộ của luật chưa được thực thi đúng và đủ trên thực tiễn. Việc tham gia đóng góp ý kiến phản biện xã hội còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Điều này làm giảm hiệu quả trong việc huy động trí tuệ của doanh nghiệp, chuyên gia, người dân trong việc xây dựng pháp luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh, vấn đề lấy ý kiến người dân là rất quan trọng nhưng lại được thực hiện một cách khá hình thức. Việc làm này chưa phân loại được đối tượng cần lấy ý kiến dẫn đến việc nhiều ý kiến hay ở cơ sở lại bị bỏ qua. Theo đại biểu, để những dự án luật có tính khả thi cao, cần làm tốt mối quan hệ giữa xây dựng chính sách và xây dựng luật. Mà muốn chính sách đi vào đời sống của người dân thì trước tiên phải bảm bảo được sự tham gia của người dân trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp nhiều khi còn do ý muốn chủ quan của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chưa thể hiện được ý chí và nguyện vọng của người dân. Trong khi đó, những đóng góp của các tổ chức, cá nhân cũng chưa được ban soạn thảo tổng hợp và tiếp thu một cách đầy đủ, công khai. Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, việc tham vấn công chúng phải được tiến hành bằng cả 2 hình thức, trực tiếp và gián tiếp. Việc tham vấn càng sâu sắc, chính xác thì các văn bản pháp luật càng có tính khả thi cao. Vấn đề lấy ý kiến không thể tiến hành một cách chung chung mà cần phân loại rõ các đối tượng nào bị tác động bởi các văn bản pháp luật nào. Từ đó lấy ý kiến của các nhóm đối tượng cho từng vấn đề mà ta cần tham vấn.
Một khía cạnh nữa cũng thu hút được sự quan tâm của các đại biểu tại hội thảo, đó là việc quy định về kinh phí khi tiến hành tham vấn ý kiến của công chúng. Theo các đại biểu phân tích, những khuyến khích về lợi ích vật chất cũng sẽ góp phần thu hút đông đảo người dân, tổ chức tăng cường đóng góp ý kiến để xây dựng văn bản pháp luật.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng đây là một công trình nghiên cứu đầy tính lý luận và thực tiễn. Việc tham vấn công chúng chính là việc tuyên truyền pháp luật, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước tới công chúng. Cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó chủ nhiệm mong rằng Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Viện Nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển sẽ có nhiều cuộc phối hợp hơn nữa để thực hiện tốt việc tham vấn công chúng nói riêng cũng như đảm bảo làm tốt việc xây dựng chính sách và pháp luật của đất nước ta trong thới gian tới.