Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ làm việc với các Bộ, ngành về tình hình thực hiện Luật Thanh niên năm 2005

19/03/2015

Sáng 19/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ của Quốc hội đã làm việc với các Bộ, ngành để nghe báo cáo về tình hình thực hiện Luật Thanh niên năm 2005. Phó chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Tuyết chủ trì buổi làm việc.

Luật Thanh niên được Quốc hội Khoá XI thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006. Luật ban hành đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên và công tác thanh niên.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát nghe các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trình bày báo cáo tình hình triển khai Luật Thanh niên sau 8 năm thực hiện. Các đại biểu cho rằng, Luật Thanh niên là đòi hỏi tất yếu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tính tình nguyện, sức sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên vào phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc. Sau 8 năm thực hiện Luật, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật trong dạy nghề, giải quyết việc làm, vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho thanh niên và có những kết quả nhất định.

 Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Thanh niên của các bộ, ngành và địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; việc thể chế hóa, lồng ghép các quy định của Luật Thanh niên vào các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH đối với thanh niên còn chậm được triển khai; công tác phổ biến, quán triệt Luật chưa được thường xuyên, liên tục, tài liệu tuyên truyền còn hạn chế về số lượng, nội dung chưa phù hợp đối với thanh niên dân tộc, vùng sâu, vùng xa…

Báo cáo của các Bộ, ngành cũng đã chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế, những vướng mắc và phương hướng khắc phục trong việc triển khai Luật Thanh niên. Các Bộ, ngành kiến nghị Quốc hội sớm triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên; quan tâm xem xét để có quy định cụ thể, rõ ràng, tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ của thanh niên; đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn.

Một nội dung quan trọng được thảo luận tại buổi làm việc là có nên thành lập Hội đồng công tác Thanh niên ở các tỉnh hay không? Nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập Hội đồng công tác thanh niên sẽ gây chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với Phòng công tác thanh niên thuộc Sở Nội vụ. Hiện nay, mới chỉ có 8 tỉnh thành lập được Hội đồng nên không thể đánh giá được mô hình này có phù hợp, hiệu quả hay không.

Ghi nhận các ý kiến cũng như những đề xuất, kiến nghị từ các bộ, ngành, Đoàn giám sát khẳng định, đây là những nội dung quan trọng cần được xem xét, thảo luận thêm. Đoàn đề nghị các Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tốt nhất nhiệm vụ thực hiện Luật Thanh niên, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để thanh niên tham gia đóng góp ý kiến cho những chính sách ảnh hưởng trực tiếp thanh niên, đặc biệt là công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Nguyễn Phương

Các bài viết khác