Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, dự thảo Luật có nhiều quy định mới, cơ bản bám sát những quy định của Hiến pháp năm 2013 và những luật có liên quan.
Đối với những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, cụ thể là những quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến cho rằng nên giữ nguyên các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân. Ủy ban Tư pháp tán thành với việc loại trừ việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân ra Tòa hành chính.
Về các quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.
Cho ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đánh giá cao sự chặt chẽ của cơ quan trong việc thẩm tra luật. Đồng thời thể hiện sự đồng tình với cơ quan soạn thảo trong các quy định về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng trong trường hợp Toà án đã ra quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng rồi lại giao cho Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện đối với loại quyết định này là không khả thi, không bảo đảm tính khách quan vì quyết định xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là quyết định đặc thù, được ban hành trong quá trình Toà án giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án.
Thảo luận về dự thảo Luật, cơ bản các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nội dung của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa được nhiều quy định của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của luật hiện hành bởi trên thực tế nhiều bản án hành chính đã được tòa tuyên nhưng lại khó thực thi.
Trước những ý kiến của các đại biểu, chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa cho phù hợp.
Về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), theo Tờ trình của TANDTC, có tổng số 447 điều, được bố cục thành 8 phần, 37 chương. So với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 226 điều, sửa đổi 184 điều, bổ sung 37 điều, bãi bỏ 10 điều; trong đó bỏ phần về thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, bỏ chương về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự và bổ sung chương về thủ tục rút gọn, thủ tục công nhận quyết định hòa giải ngoài Tòa án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là Bộ luật được chuẩn bị khá công phu. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, đề nghị Ban soạn thảo phải tổng kết, đánh giá sâu sắc hơn, đầy đủ hơn một số chế định ở trong Bộ tuật Tố tụng dân sự hiện hành để đưa ra được các căn cứ xác đáng khi sửa đổi bổ sung lần này.
Về một số nội dung quan trọng của dự thảo luật, trong đó có bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, một số ý kiến cho rằng cần phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ hoặc để bào chữa. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi bên đương sự phải được biết về tài liệu, chứng cứ của bên kia và được tự do tranh luận tại phiên tòa. Tất cả quyết định của Tòa án đều phải chủ yếu dựa trên những chứng cứ đã được đưa ra tranh luận công khai tại phiên tòa.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần phải làm rõ hơn nguyên tắc tranh tụng không chỉ ở giai đoạn sơ thẩm mà kể cả các giai đoạn tố tụng khác như phúc thẩm, tái thẩm...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá, một trong những bổ sung rất quan trọng của Hiến pháp 2013 là trong hoạt động xét xử, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm nhưng dự thảo chưa thể hiện rõ. Dự thảo mới chỉ quy định rõ về tranh tụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm. Trong xét xử sơ thẩm thì dùng khái niệm “tranh tụng” nhưng ở giai đoạn phúc thẩm lại không dùng khái niệm "tranh tụng" mà chỉ quy định cung cấp thông tin, có tranh luận, có giải thích, có hỏi đáp.
Cũng taị buổi thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề khác như: sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, áp dụng án lệ trong xét xử án dân sự…