Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

09/03/2015

Ngày 9/3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 36, đánh giá tiến độ chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra ở Hà Nội vào tháng 3/2015 và cho ý kiến về một số dự thảo luật, Nghị quyết dự kiến sẽ trình Kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.

                                                                                                                                       Ảnh: Đình Nam  

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian hơn một tuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó gấp rút xem xét tình hình và tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị IPU-132. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, IPU-132 tại Hà Nội chứa đựng những thông điệp quan trọng về hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Sự kiện ngoại giao quan trọng hàng đầu này là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, thân thiện; giới thiệu hình ảnh Quốc hội Việt Nam năng động, đổi mới đến bạn bè quốc tế. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự thảo luật, Nghị quyết và một số dự án đầu tư hạ tầng cơ sở; điều chỉnh một số đơn vị hành chính; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về các nội dung, đảm bảo cho hiệu quả của Phiên họp. 

Báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị tổ chức IPU-132, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, từ Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nay, công tác chuẩn bị và tổ chức IPU-132 tập trung vào việc hoàn thiện, phê duyệt và bước đầu triển khai cụ thể các đề án. Trong giai đoạn tiếp theo, trọng tâm công việc sẽ tiếp tục triển khai các đề án, tổ chức diễn tập từng phần và tổng duyệt toàn bộ các hợp phần của sự kiện, trong đó chú trọng các sự kiện do Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì.

Tiếp đó, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện UBND TP. Hà Nội trình bày về những vấn đề khó khăn cũng như giải pháp đặt ra trong công tác chuẩn bị cho IPU-132.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về IPU-132 cho rằng đây là sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước ta từ trước tới nay về quy mô, số lượng đại biểu quốc tế tham dự, do đó, công tác chuẩn bị cần đặc biệt chú trọng đến an ninh, an toàn, đảm bảo thành công cho IPU-132. Các nội dung nghị sự sẽ tập trung thảo luận nhiều Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người, Nghị quyết về dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số và sự đe dọa quyền riêng tư, các quyền tự do cá nhân cơ bản. Vì vậy cần chuẩn bị, lấy ý kiến các Bộ, ngành để có sự thống nhất.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị IPU-132 cơ bản đạt tiến độ tốt, tuy nhiên cần chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các Tiểu ban với Ban Thư ký IPU-132. Mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động thực hiện, nắm chắc vấn đề và dự phòng các tình huống xảy ra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác nội dung là vấn đề quan trọng nhất, do đó cần đảm bảo nội dung, Nghị quyết tại IPU-132 lần này phải thể hiện được tinh thần vì dân chủ, vì hợp tác và vì hòa bình của Việt Nam cũng như toàn thế giới. Bên cạnh đó cần chú ý, đảm bảo tuyệt đối công tác an ninh, an toàn, đảm bảo lịch sự, trang trọng, khoa học trong công tác lễ tân – sự kiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hy vọng IPU-132 sẽ thành công tốt đẹp, là một sự kiện mang đậm dấu ấn Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè Quốc tế.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật.

Thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (sửa đổi), đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của báo cáo giải trình. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo cần làm rõ hơn như: hoạt động giám sát của Mặt trận, quy định Ban công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận, quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước…

Về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, hoạt động giám sát của Mặt trận phải mang tính độc lập. Giám sát phải là đại diện cho nhân dân, không phải hỗ trợ cho Nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lo ngại nếu không nêu rõ phạm vi giám sát trong dự thảo Luật sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo. Chủ tịch HĐDT cho rằng, tuy giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân, tính chất khác hẳn giám sát quyền lực, nhưng nội dung giám sát lại giống nhau. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật nên quy định cụ thể: Mặt trận Tổ quốc giám sát việc thực hiện những công việc cụ thể ở cơ sở; đồng thời Mặt trận có quyền kiến nghị tham gia vào đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân về những nội dung mà kế hoạch, nghị quyết của Quốc hội, HĐND đã ban hành. 

Đức Phương