* Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam: Nội dung nào liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì phải được quy định ngay trong luật, không thể giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định
Sáng 27.2, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Tờ trình dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nêu rõ: Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như: còn nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành; một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, quy định về Điều tra viên... chưa cụ thể. Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc, tổ chức, hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự. Pháp lệnh năm 2004 cũng chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự nên đã có tình trạng bộ, ngành nào tổ chức, quản lý cơ quan điều tra thì bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, bổ nhiệm, miễn nhiệm điều tra viên, dẫn đến việc thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu rõ: Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật. Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm hoạt động của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong dự thảo Luật có những quy định về phân định, tranh chấp thẩm quyền giữa các cơ quan tiến hành tố tụng - là những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật tố tụng hình sự. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị, không nên quy định trong Luật này mà nên quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ: dự thảo Luật chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong khi đó, đây là những chức danh chủ chốt của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Dự thảo Luật còn thiếu nhiều quy định khác liên quan đến điều tra viên như ngạch điều tra viên; số ngạch điều tra viên ở mỗi cấp, việc thi nâng ngạch... Nhấn mạnh, đây là những vấn đề rất quan trọng, không thể thiếu của các Luật về tổ chức bộ máy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung các nội dung nêu trên vào dự thảo Luật. Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành quan điểm và đề xuất của Thường trực Ủy ban Tư pháp.
Về mô hình tổ chức Cơ quan điều tra, dự thảo Luật cơ bản giữ như quy định hiện hành, có bổ sung một số cơ quan điều tra ở các cấp và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, mô hình tổ chức tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có một số điểm hạn chế so với mô hình tổ chức Cơ quan điều tra của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 1989. Đó là: không tách bạch được chức năng điều tra theo tố tụng với chức năng điều tra trinh sát, giữa điều tra theo tố tụng với chức năng phòng ngừa xử lý vi phạm hành chính. Điều này dễ dẫn đến việc thực hiện trùng lặp các chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; ngoài ra, còn có thể dẫn đến việc điều tra, xử lý vụ việc một cách khép kín, thiếu khách quan. Có ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay còn có sự phân công không hợp lý giữa các cơ quan điều tra các cấp. Theo định hướng cải cách tư pháp thì Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử các tội có mức hình phạt đến 15 năm tù thì thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp huyện cũng cần được tăng cường. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện được yêu cầu nêu trên mà vẫn quy định theo hướng Cơ quan điều tra của Bộ và Cơ quan điều tra cấp tỉnh vẫn điều tra một số tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, điều này là chưa thật hợp lý. Có ý kiến cho rằng, với mô hình kết hợp trinh sát và điều tra hiện nay thì dự thảo Luật cần làm rõ bộ phận trinh sát có thuộc cơ quan điều tra hay không; nếu có thì quy định ở đâu và vai trò của bộ phận này như thế nào trong hoạt động điều tra hình sự. Cho ý kiến về nội dung này, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, cần chấp hành nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị về hoạt động điều tra, trong đó có tư tưởng chỉ đạo lớn là giữ nguyên các cơ quan này, không mở rộng, cần rà soát, sắp xếp lại để bảo đảm cơ quan điều tra hình sự tinh nhuệ hơn; đồng thời phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo về việc bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thực tế, lực lượng công an xã hiện nay cũng đã thực hiện một số nội dung của hoạt động điều tra như: bảo vệ hiện trường ban đầu, tham gia bắt quả tang tội phạm, lấy lời khai ban đầu của bị hại, ghi biên bản một số vấn đề... Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng lưu ý, với trình độ thực tế và chất lượng đào tạo nghiệp vụ cho công an xã còn hạn chế như hiện nay thì cần rà soát và xác định rõ ngay trong luật giao công an xã tiến hành hoạt động điều tra nào và giao ở mức độ nào.
Buổi chiều, UBTVQH bế mạc phiên họp thứ Ba mươi lăm.
Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.
Theo Tờ trình của Chính phủ do đại diện Bộ Công an trình bày, dự án Luật Tạm giữ, tạm giam được xây dựng nhằm bảo đảm công tác tạm giam, tạm giữ phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật; đồng thời khắc phục kịp thời những hạn chế trong thực tế, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam thời gian qua, đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày. Theo đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều quy định của dự án Luật về chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, những người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là có tội và chưa phải chịu hình phạt nên một số quyền công dân cần phải được bảo đảm như: quyền về an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế; quyền được tiếp cận thông tin; quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân... Do đó, cần nghiên cứu để quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, cần rà soát những nội dung nào liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì phải được quy định ngay trong luật, không thể giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định.
UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tư pháp. Về quản lý tạm giữ, tạm giam và chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần cụ thể hóa hơn nữa các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm các quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Ví dụ, dự thảo Luật chỉ xác định 6 quyền tự do bị hạn chế. Vậy các quyền tự do khác như tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do báo chí... của người bị tạm giữ, tạm giam có bị hạn chế không? Hạn chế như thế nào?