Sáng 25.2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi lăm.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; dự thảo kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức QH.
Theo báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, Ủy ban Pháp luật đã trình hai phương án quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia. Phương án 1 quy định Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi QH xác nhận tư cách ĐBQH. Các thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoạt động kiêm nhiệm. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia về cơ bản vẫn giữ như Hội đồng Bầu cử Trung ương theo quy định của Luật hiện hành. Phương án 2 quy định thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia được bầu, phê chuẩn theo nhiệm kỳ để có thể chủ động thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bầu cử khi có yêu cầu. Bên cạnh các nhiệm vụ Hiến định, đề nghị bổ sung Hội đồng Bầu cử quốc gia một số thẩm quyền như: tổ chức bầu cử bổ sung ĐBQH trong trường hợp khuyết đại biểu; chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND trong trường hợp thành lập mới, chia, tách, sáp nhập địa giới hành chính; tổ chức để cử tri thực hiện bỏ phiếu bãi nhiệm ĐBQH; tuyên truyền, giáo dục về bầu cử hoặc tổ chức để cử tri bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân…
|
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi lăm của UBTVQH |
Ảnh: Lâm Hiển |
Về nội dung này, đa số các thành viên UBTVQH tán thành lựa chọn phương án 1 và cho rằng Hội đồng Bầu cử quốc gia là một thiết chế mới, đã được hiến định, là cơ quan do QH thành lập và hoạt động gắn với từng cuộc bầu cử của từng nhiệm kỳ cụ thể. Đây không phải là cơ quan hoạt động thường xuyên mà là cơ quan được thành lập để bầu cử trong một nhiệm kỳ. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nếu tiếp tục duy trì hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong cả nhiệm kỳ 5 năm thì sẽ làm tăng chi phí phục vụ hoạt động, tăng biên chế, làm cho bộ máy hành chính cồng kềnh hơn và không phù hợp với chủ trương tinh giản cơ cấu, tổ chức bộ máy hành chính hiện nay. Quy định theo phương án 1 sẽ vừa bảo đảm được tính ổn định, kế thừa trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử Trung ương, bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong từng nhiệm kỳ; vừa không làm phát sinh thêm bộ máy.
Trình bày Tờ trình về việc ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản thuộc thẩm quyền của QH, UBTVQH để bảo đảm thi hành Luật Tổ chức QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, kết quả rà soát các văn bản hiện hành, đối chiếu với Luật Tổ chức QH mới và văn bản pháp luật khác có liên quan cho thấy, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH theo Luật Tổ chức QH sẽ do UBTVQH quy định. Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH bãi bỏ Nghị quyết về việc ban hành Quy chế hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH; các nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH, Đoàn ĐBQH sẽ giao cho UBTVQH quy định. Trước mắt, đề nghị UBTVQH chỉ đạo việc rà soát, chuẩn bị để xem xét, ban hành mới Nghị quyết quy định về các chế độ bảo đảm hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH nhằm bảo đảm thực hiện đúng tinh thần của Luật Tổ chức QH là tăng cường hơn nữa điều kiện làm việc cho ĐBQH, đặc biệt là đại biểu hoạt động chuyên trách, qua đó giúp nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH cũng như hoạt động của QH trong các nhiệm kỳ tới.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản thuộc thẩm quyền của QH, UBTVQH để bảo đảm thi hành Luật Tổ chức QH và nhất trí ban hành Nghị quyết Ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản bảo đảm thi hành Luật Tổ chức QH. Đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo Kế hoạch cần xem xét bố trí hợp lý thời gian xây dựng, trình xem xét, thông qua văn bản, các Nghị quyết liên quan đến tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH; tránh tập trung quá nhiều vào một thời điểm, nhất là thời gian diễn ra Kỳ họp QH và bảo đảm được chất lượng các văn bản, nghị quyết ban hành. Đồng thời rà soát lại, ghép các nội dung liên quan vào chung một nghị quyết, tránh chồng chéo và ban hành quá nhiều nghị quyết.
Buổi chiều, tiếp tục dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Theo Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân, việc xây dựng Luật được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 chỉ rõ: mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; ban hành Luật về Trưng cầu ý dân. Hiến pháp năm 2013 quy định về trưng cầu ý dân tại Điều 29, khoản 15 Điều 70, khoản 13 Điều 74, khoản 4 Điều 120, đồng thời quy định về quyền dân chủ trực tiếp tại khoản 1 Điều 2 và Điều 6. Điều 2, Hiến pháp xác định rõ: Nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Ban hành Luật Trưng cầu ý dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Luật. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bởi từ Hiến pháp năm 1946 đến nay vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hóa thành luật của QH.
Cùng quan điểm, nhiều Ủy viên UBTVQH khẳng định, ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ phát huy dân chủ của nhân dân, đặc biệt là dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần làm sáng rõ hơn hình thức tổ chức trưng cầu ý dân, điều kiện trưng cầu ý dân. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trưng cầu ý dân được tổ chức trên quy mô lớn, chặt chẽ hơn và có tác động lớn hơn so với lấy ý kiến nhân dân. Vậy điều kiện gì để UBTVQH, Chủ tịch Nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số ĐBQH đề nghị trưng cầu ý dân như quy định tại khoản 1, Điều 19 của dự thảo Luật? Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai đề nghị cần đặt ra điều kiện cần thiết tổ chức trưng cầu ý dân.
Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý kiến nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị xem xét phạm vi trưng cầu ý kiến nhân dân. Cụ thể, nên nghiêm cấm đề nghị trưng cầu ý dân với những quy định trái với Hiến pháp và pháp luật. Vì các quyết sách trước khi được ban hành đều lấy ý kiến nhân dân, mọi người dân đều tham gia cho ý kiến. Trong khi đó, QH là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, việc xem xét ban hành Hiến pháp, luật đã phù hợp với mong muốn của nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cũng đề nghị, nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước để khoanh vùng nội dung trưng cầu ý dân. Ví dụ có nước không trưng cầu ý dân về ngân sách, quyền lực nhà nước, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự công cộng... Đối với nước ta có cần thiết khoanh vùng phạm vi trưng cầu ý dân như các nước hay không - Ban soạn thảo cần phân tích và làm rõ thêm.