* Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Nên tổng kết kinh nghiệm tổ chức bộ máy nhà nước để quy định vào Luật những bộ, cơ quan ngang bộ đã có tính ổn định
* Dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động: Không tổ chức thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động ở cấp huyện
Sáng 20.1, dưới sự điều khiển Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Tám đã đưa đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ra khỏi phạm vi điều chỉnh mà để quy định trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định. Qua thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam nên trong dự án Luật cần quy định một số nội dung có tính nguyên tắc về vấn đề này. Tán thành với đề nghị này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, bổ sung một chương quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào dự thảo Luật là phù hợp. Trong đó, xác định tính chất của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này... Còn những nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do QH quyết định khi thành lập các đơn vị đó.
Đa số thành viên UBTVQH tán thành với quan điểm này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị, cần quy định rành mạch, rõ về trình tự, thủ tục, xem xét, quyết định thành lập, giải thể các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Đồng thời, xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị này trên tinh thần theo quy định chung của cả nước; phân biệt rõ sự giống và khác mô hình tổ chức chính quyền địa phương thông thường như thế nào? Tránh tình trạng thành lập tràn lan, đâu cũng là vùng kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, dễ dẫn đến lãng phí lớn nguồn lực xã hội và không bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đa số các Ủy viên UBTVQH tán thành với quy định như phương án 2 của dự thảo Luật: tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, ở đâu có chính quyền thì ở đó phải có HĐND và UBND. Đồng thời dẫn chứng thực tế, cấp phường hiện quản lý nhiều vấn đề về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề ở cấp phường rất lớn và quyền lực ở đây cũng rất lớn. Vậy ai sẽ giám sát việc thực hiện quyền lực này ở cấp phường? HĐND cấp quận có đủ sức để giám sát bao quát hết quyền lực này ở cấp phường không? Không ở đâu có quyền lực lớn mà lại không có một cơ quan giám sát.
Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, phương án 1, khoản 2, Điều 5 của dự thảo Luật trình UBTVQH lần này quy định: Phòng quản lý hành chính trực thuộc UBND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức ở các phường trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn phường”. Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định tên gọi cơ quan hành chính tại phường là Phòng quản lý hành chính theo phương án 1 là một bước thụt lùi không thể chấp nhận, là điều kỳ lạ sau bao nhiêu năm xây dựng chính quyền địa phương. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, phòng quản lý hành chính là mô hình không ai nhìn thấy bao giờ, là tưởng tượng và không thực tiễn. Các Ủy viên UBTVQH đề nghị, nên giữ nguyên quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như phương án 2, theo đa số ý kiến đóng góp của ĐBQH, và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân cấp thẩm quyền rõ ràng mô hình chính quyền địa phương ở đô thị và nông thôn, tạo điều kiện cho HĐND thực sự phát huy hiệu quả. Đổi mới ở đây là đổi mới về chức năng, nhiệm vụ và đổi mới về mô hình tổ chức HĐND và UBND phù hợp với đô thị và nông thôn, không phải không tổ chức HĐND thì mới phù hợp với đô thị.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã xem xét, thảo luận việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với ĐBQH Thạch Dư (Trà Vinh).
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, nhiều ĐBQH tán thành quy định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ như trong dự thảo Luật và đề nghị không ghi rõ số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ như dự thảo vì 3 lý do. Thứ nhất, nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống KT – XH, bảo đảm sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ. Thứ hai, nếu quy định cứng số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ làm cho dự thảo Luật khó có tính khả thi và không bảo đảm tính ổn định lâu dài. Thứ ba, có rất ít quốc gia quy định cụ thể về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Về cơ quan thuộc Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo quy định của Hiến pháp, cơ quan thuộc Chính phủ không nằm trong cơ cấu của Chính phủ. Đây là các đơn vị sự nghiệp phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ, rất đặc thù của nước ta. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành không quy định riêng về cơ quan thuộc Chính phủ. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định về cơ quan thuộc Chính phủ trong dự thảo.
UBTVQH cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phần tổ chức bộ máy trong dự thảo Luật hiện còn mờ nhạt so với phần hoạt động của Chính phủ. Vì thế, cần làm rõ hơn số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong Chính phủ. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất, nên tổng kết kinh nghiệm tổ chức bộ máy nhà nước những năm qua để quy định vào dự thảo Luật những bộ, cơ quan ngang bộ đã có tính ổn định. Còn một số bộ, cơ quan ngang bộ khác có thể quy định mở, để tùy vào tình hình từng giai đoạn cụ thể mà QH sẽ quyết định.
Về cơ quan thuộc Chính phủ, nhiều ý kiến lo ngại nếu không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật thì những cơ quan hiện đang thuộc Chính phủ như các đơn vị sự nghiệp, Viện hàn lâm... sẽ thuộc cơ quan nào quản lý? Vì thế, không nên bỏ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật thế nào là cơ quan thuộc Chính phủ, cũng như phương thức thành lập, quản lý các cơ quan này.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày, tiếp thu ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tám, dự thảo Luật đã quy định thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra chuyên ngành, thuộc cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về lao động cấp trung ương, cấp tỉnh tại Điều 90, quy định này phù hợp với Luật Thanh tra. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề nghị cân nhắc thêm việc tổ chức thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động ở cấp huyện để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác về an toàn, vệ sinh lao động khi mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động.
UBTVQH tán thành cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Về tổ chức thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng nếu tổ chức thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động ở cấp huyện thì biên chế sẽ tăng lên rất nhiều. Vì thế, nhất trí không tổ chức thanh tra vấn đề này ở cấp huyện, thay vào đó phải tăng cường công tác kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động.