Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã xem xét Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân; cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi ba của UBTVQH |
|
Ảnh: Quang Khánh |
Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, có ý kiến cho rằng cần quy định cả việc xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân trong dự thảo Pháp lệnh để bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm. Ủy ban Tư pháp cho rằng, Pháp lệnh này phải phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, các quy định của các luật tố tụng và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, Pháp lệnh chỉ cụ thể hóa các quy định của các luật tố tụng về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, hành chính, dân sự của Tòa án nhân dân. Các hành vi vi phạm khác tuy có cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân cũng như hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên nhưng không được quy định trong các luật tố tụng thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này.
Cơ bản tán thành với dự thảo Pháp lệnh, song các Ủy viên UBTVQH đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra, Tòa án nhân dân tối cao, và các cơ quan liên quan cần tiếp tục tiếp thu, rà soát, hoàn thiện lại dự thảo Pháp lệnh để trình UBTVQH xem xét thông qua tại phiên họp tới. Về khung phạt tiền, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, quy định mức khung xử phạt các hành vi vi phạm hành chính còn quá rộng, đề nghị cần tiếp tục rà soát thu hẹp mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính. Về quy định các hành vi vi phạm hành chính, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, khoản 3, Điều 11, dự thảo quy định: phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực buộc người khác ra làm chứng gian dối là chưa phù hợp bởi đây là hành vi có tính chất hình sự, không phải là hành vi dân sự nên không tiến hành xử phạt hành chính. Chủ tịch K’sor Phước đề nghị, cần rà soát quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, tránh tình trạng bỏ sót một số loại tội phạm hình sự bởi trong hoạt động của tố tụng dân sự đôi khi nảy sinh những hành vi có tính chất hình sự.
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ, về nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của kế hoạch kiểm toán, hỗ trợ cho QH, các cơ quan của QH trong hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giúp Chính phủ, Chủ tịch Nước và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban đề nghị, sửa khoản 1, Điều 13 của dự thảo Luật thành: Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến trước khi quyết định.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Về nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch kiểm toán là cần thiết và phù hợp. Song, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn, Kiểm toán Nhà nước khi lập báo cáo kế hoạch kiểm toán hàng năm có cần xin ý kiến Chính phủ trước khi quyết định không? Bởi lẽ Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do đó, kế hoạch kiểm toán không phải xin ý kiến Chính phủ hay các cơ quan quản lý nhà nước khác. Nếu quy định trong luật về việc xin ý kiến này sẽ dẫn đến việc cơ quan này đề nghị năm nay không kiểm toán đơn vị này, cơ quan khác đề nghị không kiểm toán đơn vị khác, và kế hoạch kiểm toán sẽ theo quan điểm chủ quan của cơ quan đó, làm mất tính độc lập trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước cũng như bảo đảm tính minh bạch của các báo cáo kiểm toán. Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý theo hướng Kiểm toán Nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo với QH, không xin ý kiến Chính phủ trước khi thực hiện.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật và dự án Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo xin ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Tám, các ĐBQH đã góp nhiều ý kiến về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, về thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành văn bản pháp luật, việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, do chưa có sự thống nhất trong xác định tên gọi dẫn đến việc còn lúng túng trong xác định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Theo quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, phạm vi dự án luật như thế nào thì tên gọi phải tương ứng. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì việc mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả việc ban hành các văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật là quyết định hành chính trong một đạo luật là rất khó khả thi. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản pháp luật là quyết định hành chính sẽ được điều chỉnh cụ thể trong Luật Ban hành quyết định hành chính đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với tên gọi Luật Ban hành văn bản pháp luật, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật, bao gồm văn bản quy phạm pháp luật và văn bản pháp luật là quyết định hành chính. Lý do là vì bản chất của 2 loại văn bản này đều là văn bản pháp luật, nguyên tắc, quy trình ban hành của 2 loại văn bản này có nhiều điểm giống nhau. Nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh với cả hai loại văn bản này trong cùng một đạo luật thì sẽ tiết kiệm được thời gian, nguồn lực cho việc xây dựng riêng một đạo luật về ban hành quyết định hành chính và sớm đưa các quy định về vấn đề này đi vào cuộc sống.
Các Ủy viên UBTVQH cho rằng, việc xác định rõ khái niệm trong dự án luật là yếu tố quyết định phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Nếu Luật lấy tên gọi là Luật Ban hành văn bản pháp luật, nội hàm, phạm vi của luật không thể như nội dung dự thảo Luật trình UBTQVH cho ý kiến tại Phiên họp này. Nếu tên gọi của luật là Luật Ban hành văn bản pháp luật, phạm vi điều chỉnh phải bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản áp dụng của các cơ quan, tổ chức, kết luận điều tra, quyết định khởi tố, truy tố đều là văn bản pháp luật. Ví dụ, Chỉ thị của Bộ trưởng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đó lại là văn bản pháp luật vì văn bản đó có giá trị pháp lý, đề ra các quy tắc xử sự. Tương tự, nếu quy định tên gọi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có thể tán thành quan điểm cấp huyện, cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng nếu tên gọi, phạm vi là Luật Ban hành văn bản pháp luật thì cấp huyện, cấp xã phải được ban hành văn bản pháp luật; cấp huyện, cấp xã ban hành Nghị quyết điều chỉnh hoạt động tại địa bàn huyện, xã mà không ban hành văn bản pháp luật là vô lý. Các Ủy viên UBTVQH đề nghị, rà soát lại toàn bộ nội dung của dự thảo Luật, xác định thẩm quyền ban hành pháp luật của các chủ thể, từ đó xác định rõ phạm vi của luật để trình UBTVQH tại Phiên họp sau.
Cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), các Ủy viên UBTVQH cơ bản thống nhất với Báo cáo xin ý kiến UBTVQH về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày.
Về tổ chức MTTQ Việt Nam (Điều 6), một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, nên cân nhắc việc tổ chức MTTQ theo các cấp hành chính, bảo đảm mềm dẻo, linh hoạt. Liên quan đến quy định tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khoản 2, Điều 22, dự thảo Luật quy định: trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi về kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, quy định này có nghĩa MTTQ Việt Nam chỉ tham gia trong quá trình xây dựng luật, không tham gia quá trình thẩm tra dự án luật. Nên quy định MTTQ Việt Nam tham gia xuyên suốt quá trình xây dựng, thẩm tra, xem xét thông qua dự án luật.