Kính thưa các vị khách quý,
Thưa toàn thể quý vị đại biểu,
Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đại biểu nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Nhóm Tư vấn IPU về HIV/AIDS và sức khỏe bà mẹ trẻ em, Tổng thư ký IPU, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các vị khách mời quốc tế và Việt Nam đã dành thời gian tới tham dự Hội thảo Đại biểu Quốc hội và công tác phòng chống HIV/AIDS - một hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác ba bên giữa Quốc hội Việt Nam, IPU và Cơ quan Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS).
Thưa các quý vị đại biểu,
Năm 2006, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) với những quy định được các tổ chức quốc tế đánh giá là tiến bộ, phù hợp với Tuyên bố cam kết phòng chống HIV/AIDS năm 2001 của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã khẳng định lại quyết tâm của mình trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS thông qua việc ký kết Tuyên bố Chính trị năm 2011 về HIV/AIDS của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam liên tục được phát triển và hoàn thiện theo hướng tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn ứng phó AIDS tại Việt Nam, tạo ra những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả căn bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng như nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Việt Nam là nước tiên phong trên thế giới áp dụng phương pháp điều trị 2.0 - một biện pháp đơn giản hóa phương thức điều trị nhằm tăng số người được sử dụng thuốc, giảm nhanh số người chết do AIDS, giúp cho công tác dự phòng có hiệu quả. Đồng thời, thực hiện theo kế hoạch đề ra trong chiến lược Quốc gia phòng chống AIDS năm 2010 và tầm nhìn 2020, trong thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát được dịch HIV trong cộng đồng dân cư trên 3 phương diện: giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS, vì vậy đã kiềm chế được tình hình lây nhiễm HIV ở mức 0,26%. Hiện Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm HIV thấp nhất trong khu vực Đông Nam á với 223.130 người nhiễm HIV và trở thành điểm sáng trong khu vực về công tác phòng, chống cũng như chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Việt Nam cũng đang cố gắng thực hiện mục tiêu 3 không gồm: Không còn người mới nhiễm HIV, Không còn người tử vong do AIDS, Không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Để thực hiện các mục tiêu này, cần phải có sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ thống cộng đồng bền vững với sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Thưa các quý vị đại biểu,
Trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc hay có đủ khả năng tự mình đối phó với những thách thức và hậu quả nặng nề của căn bệnh thế kỷ này. Do vậy, trong khuôn khổ Hội thảo, tôi hy vọng thông tin của các chuyên gia và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các Nghị sỹ sẽ giúp chúng ta nhận thức vấn đề sâu sắc hơn, chia sẻ trách nhiệm, tăng cường vai trò và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nghị viện và Nghị sỹ các nước khu vực và trên thế giới trong công tác xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Tôi tin tưởng Hội thảo sẽ thảo luận và tìm ra các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nghị viện các nước với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là đối với Liên Hợp Quốc trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh những bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi trên thế giới có xu hướng ngày càng gia tăng, tác động nhất định đến công tác phòng chống HIV/AIDS của một số quốc gia để từ đó rút ra những kinh nghiệm hay nhằm tiếp thu và vận dụng ở mỗi nước. Hội thảo cũng là dịp nâng cao sự quan tâm và trách nhiệm của xã hội, các cơ quan và người dân đối với vấn đề HIV/AIDS, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của quốc tế đối với công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam. Kết quả của Hội thảo sẽ trở thành ví dụ điển hình để giới thiệu với bạn bè quốc tế về vai trò của Quốc hội Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhân dịp Đại hội đồng IPU-132 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 3.2015.
Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tôi tin rằng công tác phòng, chống HIV/AIDS của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm tới sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ căn bệnh thế kỷ này.
Nhân dịp Hội thảo này, cho phép tôi được cảm ơn đại diện Cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác đã đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS. Xin chân thành cảm ơn các nghị sỹ Nghị viện thành viên IPU, Nhóm Tư vấn IPU về phòng chống HIV/AIDS, Ngài Tổng thư ký IPU và Ban Thư ký IPU đã tới Hà Nội tham dự hội thảo quan trọng này.
Với tinh thần đó, tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Hội thảo Đại biểu Quốc hội và công tác phòng chống HIV/AIDS.
Với những tình cảm thân ái, quý trọng và niềm tin tưởng sâu sắc, tôi tin rằng Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp.
Chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trên cương vị cao quý của mình!
Xin trân trọng cảm ơn!