Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là việc làm hệ trọng, từng ĐBQH thay mặt cử tri cả nước, để bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp.
“Những chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn là những người được Quốc hội tin tưởng, giao nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước pháp quyền XHCN nên rất hệ trọng. Đồng bào, cử tri cả nước, đặt niềm tin ở từng vị ĐBQH, yêu cầu rất chặt chẽ theo Nghị quyết 35, phải tiến hành rất thận trọng, khách quan, công tâm, do vậy lá phiếu đánh giá phải chính xác”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm
Đây là lần thứ 2 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. 3 năm sau lần lấy phiếu đầu tiên Chủ tịch Quốc hội cho rằng các vị đại biểu đã có nhiều kinh nghiệm và thời gian hơn để đánh giá. Quan trọng, tại kỳ họp năm ngoái và kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận tình hình đất nước, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước ta, qua đó đã ban hành nghị quyết. Đây là cơ sở và căn cứ vững chắc để ĐBQH tiến hành bỏ phiếu.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Quốc hội đánh giá, công tác hành pháp, tư pháp, lập pháp của đất nước đều có chuyển biến tích cực. Sau lần lấy phiếu trước, Quốc hội đã tích cực chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân để ban hành được Hiến pháp, nghị quyết để thi hành Hiến pháp trong cả nước. Quốc hội cũng đã, đang và sẽ ban hành nhiều đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đối với công tác hành pháp, từ năm ngoái đến nay thấy đã nâng cánh nền kinh tế, vượt qua khó khăn, tạo đà mới để tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ năm 2015. Hoạt động tư pháp, phòng chống tội phạm, tham nhũng, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận ở 2 kỳ họp, từ điều tra, công tố, kiểm sát tới xét xử, thi hành án đều có chuyển biến tích cực. Tinh thần của các cơ quan hành pháp và tư pháp là thi hành nghiêm chỉnh các nghị quyết của Quốc hội về công tác này.
Toàn cảnh Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm
Qua lấy phiếu tín nhiệm, những người được đánh giá tín nhiệm cao luôn phải tự nhắc nhở mình tiếp tục hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Những người đươc đánh giá chưa thật cao, cũng nhận thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu khắc phục nhược điểm của mình và ngành mình.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng thấy rõ và khi phát biểu tại hội trường đã đánh giá những chuyển biến tích cực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm, chỉ ra những bộ trưởng đã cố gắng, năng động. Có những ngành, lĩnh vực đòi hỏi sự đồng bộ, không thể một mình bộ, ngành nào tự mình giải quyết được, nhưng các vị trưởng ngành đó đã giải quyết toàn tâm, toàn ý.
Chủ tịch khẳng định, nói Quốc hội đánh giá tín nhiệm là nói chung, thực chất là từng vị đại biểu Quốc hội đánh giá, chứ không phải cả Quốc hội thảo luận tập thể để biểu quyết. Trọng trách nằm ở từng vị đại biểu Quốc hội, đòi hỏi mỗi vị đại biểu phải làm việc công tâm, trách nhiệm, khách quan, chính xác khi tiến hành công việc hệ trọng này.
“Tôi cũng là đại biểu Quốc hội, các vị lãnh đạo ở đây, các đồng chí đều là đại biểu Quốc hội. Với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, các đại biểu cần căn cứ các quy định, nhận thức, đánh giá của bản thân, ý kiến cử tri, thông tin chính thức mà chúng ta nhận được để phân tích, đánh giá.
Đại biểu Quốc hội không nên sử dụng thông tin không chính thức như khiếu nại, tố cáo, hay văn bản khác gửi đến chưa được sàng lọc, chưa đủ căn cứ. Quan trọng, nếu nhầm lẫn thông tin, nghiêng về mặt này, mặt kia, kết quả đánh giá sẽ không chính xác”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
“Tôi tin tưởng chắc chắn Quốc hội sẽ thực hiện thắng lợi trọng trách cao cả này. Cầm lá phiếu nhẹ nhàng thôi nhưng trách nhiệm rất nặng nề nên khi quyết định cần cân nhắc, thận trọng, khách quan, công tâm, chính xác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Với 93,96% ĐBQH biểu quyết thông qua lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh gồm: Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Sau khi biểu quyết danh sách, Quốc hội thảo luận ở đoàn về lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng 15/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội sẽ bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh. Việc công bố kết quả kiểm phiếu sẽ diễn ra vào cuối chiều cùng ngày và nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được Quốc hội thông qua ngay sau đó./.