Quốc hội thảo luận dự Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước

11/11/2014

Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 11/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ phát biểu ý kiến

Đối với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đề nghị cấu trúc lại Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh theo hướng luật này quy định đầu tư vốn Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đề nghị rà soát để tránh chồng chéo với một số luật, dự án luật có liên quan như Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật này chỉ quy định các nội dung về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đối với việc đầu tư vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội… được quy định tại Luật đầu tư công; quản trị doanh nghiệp được quy định tại dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị dự thảo luật phải tạo đột phá về thể chế nhằm tác động mạnh mẽ đến tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, gắn kết chặt chẽ với hệ thống pháp luật có liên quan đã ban hành như Luật đầu tư công, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như các dự án luật liên quan đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này. Đặc biệt cần phải phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của tổ chức cá nhân từ Chính phủ, bộ, ngành trung ương đến các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Xác định rõ nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Về nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Điều 5 của dự thảo Luật được xây dựng theo hướng quy định cụ thể các nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đồng thời bảo đảm doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước hoạt động bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của Hiến pháp.

Vấn đề này đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cần nhắc có thể bỏ nguyên tắc: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp.

Theo đại biểu, với doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ , để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước trong nhiều trường hợp, các cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay vào hoạt động quản lý điều hành của người quản lý doanh nghiệp.

Trên cơ sở tán thành với 8 nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên đại biểu Trương Văn Vở vẫn còn băn khoăn và cho rằng nên quy định đậm nét nguyên tắc: cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.

Theo đại biểu đây chính là cơ sở để gắn kết nhất quán giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức cá nhân ở Chương 2 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp với Chương 5 về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Đây chính là điều kiện bảo đảm kinh doanh sản xuất có hiệu quả, bảo tồn, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phòng chống thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước và doanh nghiệp, đại biểu nhấn mạnh.

Có nên thành lập cơ quan chuyên trách quản lý và giám sát vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Điều 7: Đại diện chủ sở hữu nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp, đảm bảo công khai minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của cá nhân và tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu đồng tình với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc Luật không quy định cứng việc thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước bởi đó là vấn đề rất quan trọng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào Điều 7 hai khoản với nội dung theo những nguyên tắc sau: đối với cơ quan chủ sở hữu không nhất thiết trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách, không trực tiếp tham gia, kiểm soát điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính khác.

Các cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp, áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Như vậy với những quy định về mặt nguyên tắc của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Điều 7, Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng phương án triển khai thực hiện theo quy định tại Luật tổ chức Chính phủ.

Vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đất nước đã và đang tiến hành cải cách thể chế nói chung và cải cách thể chế tài chính công nói riêng, đề nghị cần cân nhắc quy định ngay trong dự thảo luật thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.

Theo đại biểu khi thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế chính sách chiến lược cho các lĩnh vực hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch, thực chất, hiệu quả việc sử dụng vốn doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng đây là thời điểm đã chín muồi và đòi hỏi khách quan từ thực tiễn đang đặt ra nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý và khắc phục tình trạng không rõ địa chỉ doanh nghiệp để xử lý vi phạm như những đổ vỡ, mất mát nghiêm trọng về vốn, tài sản nhà nước ở một số tập đoàn, công ty Nhà nước gây mất lòng tin trong nhân dân đối với doanh nghiệp Nhà nước đã diễn ra trong thời gian qua.

Cụ thể hóa ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp

Qua thảo luận về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến khác đồng tình với Điều 10 của dự thảo Luật đã cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể trên cơ sở Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Đánh giá về Điều 10: Phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng p hạm vi trong dự thảo luật còn rộng và chưa cụ thể; khó xác định được giới hạn danh mục ngành cần đầu tư vốn, tạo động lực cho các ngành, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định xã hội, kinh tế nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn các ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước phải đầu tư 100% vốn; những ngành Nhà nước tham gia góp vốn nhưng tỷ lệ vốn góp phải đạt tỷ lệ chi phối hoạt động của doanh nghiệp; các lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa của Nhà nước tại doanh nghiệp...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động; tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp; giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

Chiều nay, theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

 

(Theo TTXVN)