Bên cạnh đó, Quốc hội đã nghe tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và các báo cáo thẩm tra.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ nguồn ngân sách trung ương năm 2015, đã cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ về việc tiếp tục hoạt động năm 2014 còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế trong nước diễn ra tích cực hơn, song vẫn tiềm ẩn một số yếu tố, biểu hiện sự phát triển chưa vững chắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán NSNN.
Về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2014, Ủy ban TCNS cho rằng Chính phủ cần làm rõ ảnh hưởng của việc thu cổ tức của Nhà nước vào NSNN trong 2 năm 2013-2014 đối với hoạt động đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước để Quốc hội có căn cứ quyết định việc thực hiện cơ chế này trong các năm tiếp theo.
Ủy ban TCNS cũng cơ bản đồng tình với dự toán thu cân đối NSNN năm 2015 do Chính phủ trình và đề nghị Chính phủ lưu ý về nguyên tắc, đề nghị thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, theo đó tất cả các khoản thu phải có dự toán và theo luật định; tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ đã xảy ra ở một số địa phương.
Chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online
Theo báo cáo thẩm tra của UBTCNS trình Quốc hội về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần thay thế được các sản phẩm nước ngoài, góp phần phát triển công nghệ thông tin Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Được biết, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nội dung này đã được đề cập. Theo đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, nhất là đối với loại game bạo lực, game gây nghiện cho đối tượng trẻ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Lý do là game bạo lực tràn lan, tỷ lệ nghiện game ở một bộ phận rất lớn trong giới trẻ, dẫn đến bạo lực ở thanh thiếu niên ngày một gia tăng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng, các sản phẩm trò chơi điện tử được cấp phép tại Việt Nam đều được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, trong khi game online thẩm lậu, chứa nhiều nội dung xấu, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội chủ yếu từ khu vực bên ngoài không kiểm duyệt được xâm nhập vào thị trường Việt Nam; việc áp thuế TTĐB sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, sản phẩm trò chơi sản xuất trong nước chưa phát triển để thay thế được nguồn trò chơi nước ngoài.
Tăng cường cung cấp thông tin, kỷ luật tài chính và công khai, minh bạch ngân sách
Theo Ủy ban TCNS, một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong sửa đổi Luật NSNN là phải thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Dự thảo Luật thì một số định hướng quan trọng trong Hiến pháp chưa được cụ thể hóa rõ ràng, vì vậy đề nghị tăng cường các quy định nhằm bảo đảm kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt việc quản lý thu, chi NSNN cần tuân thủ và cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp: các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định (Điều 55 của Hiến pháp). Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung vào điều 17 quy định “không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền” về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực NSNN. Đồng thời để cung cấp thông tin một cách toàn diện và đầy đủ, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong việc cung cấp thông tin tài chính cho Kho bạc Nhà nước, hướng đến minh bạch hóa thông tin và nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị thụ hưởng NSNN.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động của Kiếm toán nhà nước
Tờ trình về Dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) khẳng định Luật được ban hành sẽ góp phần nâng cao một bước địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước (KTNN); Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN được quy định đầy đủ hơn; Quy mô và chất lượng kiểm toán được mở rộng và tăng cường; Vị trí, vai trò của KTNN ngày càng được khẳng định,...
So với Luật KTNN hiện hành Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 80 điều (tăng 1 chương, 04 điều). Dự án Luật bổ sung chương VII: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước, (từ Điều 70 đến Điều 76) gồm: Quốc hội với KTNN; Chính phủ với KTNN; trách nhiệm các cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; trách nhiệm cơ quan tổ chức trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi Luật KTNN góp phần hoàn thiện thể chế, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thông lệ quốc tế, đồng thời khắc phục tồn tại trong hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, Dự thảo luật cần bổ sung các nguyên tắc phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, nhằm tránh chồng chéo trong quá trình kiểm toán với các hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm không gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán.
Ngày mai (21/10), theo Chương trình các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.