Cử tri cả nước hướng về kỳ họp đầu tiên tại Nhà Quốc hội mới

17/10/2014

Cử tri cả nước hướng về kỳ họp đầu tiên tại Nhà Quốc hội mới.

Ngày 20/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII - kỳ họp cuối năm 2014 sẽ chính thức khai mạc và đi vào lịch sử với ý nghĩa là kỳ họp đầu tiên tại Trụ sở Nhà Quốc hội trên nền Hội trường Ba Đình cũ.

Đây là kỳ họp có thời lượng dài nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay (dự kiến 35 ngày làm việc chính thức) với số lượng lớn các dự án luật được thảo luận thông qua và cho ý kiến nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013.

Cũng bởi ý nghĩa và tầm vóc ấy, càng gần ngày khai mạc, kỳ họp càng thu hút sự quan tâm của cử tri và đồng bào cả nước.

Trọng tâm xây dựng pháp luật

Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật liên quan tới việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013 là một trong những nội dung quan trọng.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thông qua 18 dự án luật và ba dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật.

Có thể thấy, đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay (trước đây, trung bình mỗi kỳ họp, Quốc hội chỉ thông qua khoảng 10 dự án luật).

Các dự án luật quan trọng sẽ được xem xét, bàn thảo tại kỳ họp này liên quan tới hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước như Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)...

Những đạo luật về kinh tế cũng được giới doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm như Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế...

Chuẩn bị cho kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình, dự án Luật sẽ được trình bày tại kỳ họp.

Theo sự phân công, những Báo cáo quan trọng tổng hợp nhất của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp số liệu từ các bộ, ngành liên quan chuẩn bị. Theo đó, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dự báo có 12 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, một chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch là tạo việc làm và một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Với sự quyết tâm cao của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế-xã hội trong chín tháng năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước.

Tiếp theo báo cáo tại kỳ họp thứ 7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ tiếp tục nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.

Một nội dung khác cũng thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được nhiều ý kiến khác nhau thời gian qua đó là Tờ trình của Chính phủ về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cũng tại kỳ họp này, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội về tình hình xây dựng Nhà Quốc hội.

Đặc biệt, sau lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, nhận được sự đồng thuận lớn của cử tri, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và ra Nghị quyết (sửa đổi) về nội dung này.

Ý chí, nguyện vọng của cử tri

Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, các Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận những ý kiến bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đánh giá cao những đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội, đồng thời kiến nghị những nội dung đáng quan tâm nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bức xúc từ cơ sở.

Phát biểu với cử tri trước thềm kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cử tri và đồng bào cả nước đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, triển khai thi hành Hiến pháp; tích cực tham gia đóng góp vào công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp theo tinh thần phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân được quy định trong Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn cử tri tiếp tục quan tâm, giám sát, đóng góp vào việc hoàn thiện hoạt động của Quốc hội để Quốc hội đáp ứng tốt hơn nữa vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; qua đó tăng cường lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Thường xuyên theo dõi các kỳ họp Quốc hội, cử tri Dương Xuân Thâu, 85 tuổi quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh rất quan tâm với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ Thâu cho rằng nội dung này liên tục có nhiều đổi mới.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các câu hỏi chất vấn đã ngắn gọn hơn, người trả lời chất vấn cũng tập trung vào nội dung chính, sát sườn hơn.

Theo cụ, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội huy động các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành tham gia thẩm định, góp ý đối với các dự án luật là đổi mới tích cực, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

“Một trong những đổi mới của nhiệm kỳ Khóa XIII là các vấn đề được Quốc hội bàn thảo ngày càng thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, đời sống muôn màu muôn vẻ của nhân dân,” cụ Thâu phấn khởi.

Bày tỏ nguyện vọng trước kỳ họp thứ 8, cụ mong muốn, Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện việc làm, tăng cường siết chặt kỷ cương, pháp luật, nhất là ở cơ sở.

Còn chị Lưu Thị Tâm, cũng ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thì cho rằng các kỳ họp Quốc hội gần đây của Quốc hội ngày càng đổi mới, nhất là hoạt động tiếp xúc cử tri.

Theo chị Tâm, nếu như trước đây, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội thường chỉ tiếp xúc với các đại cử tri, thì thời gian gần đây, đại biểu tiếp xúc trực tiếp với mọi cử tri, người dân được trực tiếp gặp gỡ, bày tỏ ý kiến với đại biểu. Việc này, giúp đại biểu có nhiều thông tin hơn.

Chị Tâm mong muốn công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội ngày càng hoàn thiện để sao cho luật pháp “phủ sóng” mọi hành vi trong xã hội, bên cạnh đó, cần tránh trường hợp luật khung, phải qua nhiều văn bản hướng dẫn mới có thể đi vào cuộc sống.

Quan tâm đến các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, cử tri Trần Thị Minh Lý, ở Bình Lục, Hà Nam mong muốn, Nhà nước nên dành ưu đãi nhiều hơn nữa cho người làm nông nghiệp; cần có chính sách tạo điều kiện để bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật dễ dàng hơn, giúp người nông dân nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.

Bày tỏ ý kiến trước kỳ họp thứ 8, anh Làng Mộng Thành, thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai - một nông dân điển hình về làm kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa mong muốn có chính sách ưu đãi tín dụng hơn nữa đối với những người thực sự có nhu cầu để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Anh Thành đề nghị Quốc hội cần tăng cường biện pháp giám sát, để đảm bảo các chính sách ban hành được phổ biến và thực thi ở cơ sở phát huy tối đa hiệu quả trong thực tiễn.

Không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, các hoạt động của Quốc hội ngày càng gần dân, sát dân hơn. Với những nội dung bàn thảo mang “hơi thở” cuộc sống, nghị trường Quốc hội ngày càng thực sự trở thành diễn đàn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri với một mong muốn tối cao đưa đất nước phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

(Theo TTXVN)