Sau 10 ngày làm việc với nhiều nội dung quan trọng, sáng nay (2/10), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 31.
Trước đó, cho ý kiến vào dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu cho rằng: yêu cầu quan trọng nhất của việc sửa đổi Luật là phải đảm bảo thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 30/9
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng: Hiến pháp năm 2013 đã tạo căn cứ quan trọng cho đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách nhà nước, là nền tảng pháp lý quan trọng cho sửa đổi Luật lần này. Tuy nhiên, một số định hướng quan trọng trong Hiến pháp chưa được cụ thể hóa trong dự án Luật. Vì vậy, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, làm rõ ngân sách nhà nước là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; tăng cường các quy định về nâng cao kỷ luật chi, công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu ý kiến: “Tôi đề nghị trong sửa đổi luật lần này làm sao khắc phục được những tồn tại hiện nay trong việc lập, quản lý và sử dụng ngân sách. Làm sao cho ngân sách nhà nước được lập cũng như quản lý sử dụng một cách tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả. Do đó, tôi đề nghị rà soát lại nếu như vấn đề nào chưa thực hiện được yêu cầu này thì cần bổ sung thêm”.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với việc điều chỉnh lại mức dư nợ của ngân sách địa phương. Theo đó, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nâng từ 100% lên 150%; các địa phương khác nâng từ 30% lên 50% đến 100%. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến không đồng tình với việc mở rộng tỷ lệ vay nợ sẽ dẫn đến không kiểm soát được nợ công. Do vậy, đề nghị chỉ xem xét nâng mức dư nợ đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương; giữ nguyên trần vay nợ như quy định hiện hành đối với các địa phương khác.
Về thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Quyền lực để quyết định ngân sách là của Quốc hội, cái đó chúng ta phải làm rõ. Giám sát việc thực thi ngân sách là của Quốc hội, tổ chức thực hiện ngân sách là Chính phủ, Thường vụ Quốc hội giúp Quốc hội chuẩn bị và có ý kiến, trình ra, thẩm tra là của Ủy ban. Phải có trình tự như vậy. Ví dụ, thực tế diễn ra đến cuối năm nhưng Chính phủ chuẩn bị không kịp thì trong trường hợp này giao cho Thường vụ Quốc hội”.
Cũng qua thảo luận, ý kiến của đa số thành viên Thường vụ Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật lần này có một số quy định mới nhưng vẫn còn nhiều quy định chung chung cần được cụ thể hơn, như các quy định về nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách; về công tác quyết toán ngân sách nhà nước, công tác kế toán nhà nước, công khai, minh bạch ngân sách, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong quyết định ngân sách của cấp mình…
Như vậy, sau 10 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 31. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 15 dự án Luật, cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng năm 2014; việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 1 ngày để chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.