Góp ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

26/09/2014

Các đại biểu đồng tình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một số công việc nhất định.

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 9, sáng 26/9, Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình báo cáo tiếp thu, chính lý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7. Đặc biệt là vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một số công việc nhất định có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.

 

Các đại biểu cùng nhau thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 9

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của chính sách này, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, bảo hiểm xã hội Việt Nam và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Tăng cường công tác quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đối tượng và có biện pháp cụ thể đối với doanh nghiệp và người sử dụng lao động để thực hiện quy định này.

Cho ý kiến về việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều đại biểu tán thành với việc bổ sung đối tượng này. Tuy vậy, quy định căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội là mức tiền lương cơ sở và nhà nước hỗ trợ không quá 10% là mức đóng cần được xem xét hợp lý để đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn đại biểu quốc hội Đà Nẵng nêu ý kiến: “Giữa bắt buộc và tự nguyện, nếu tự nguyện thì Nhà nước hỗ trợ tối đa 10%, còn bắt buộc thì 14%, tính chênh lệch giữa hai phương án cho những người không chuyên trách ở xã phường thì nhiều hơn 126,2 tỷ đồng, Vậy nếu ngân sách bỏ ra trên 126 tỷ đồng/năm thêm vào để áp dụng phương án này, thì rõ ràng chúng ta đã mở rộng tăng được đối tượng bắt buộc. Ngoài ra, ta còn phải tính đến là nếu so sánh những người lao động từ 1 đến 3 tháng, rõ ràng họ có lương, nhưng đối tượng này quản lý không dễ. Trong khi đối tượng không chuyên trách chúng ta có thể nắm được. Nếu đối tượng kia được, mà đối tượng này không được thì chưa hợp lý”.

Về vấn đề điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, đa số các đại biểu tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương. Tuy nhiên, mức đóng giữa nam và nữ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau do tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chênh lệch 5 năm. Về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, cần có lộ trình nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng. 

Cũng tại phiên họp sáng 26/9, các đại biểu cho ý kiến về vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

 

(Theo VOV)