Sáng 17/9, phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Ông Trần Hồng Hà, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu thảo luận
Các đại biểu đề nghị cần rà soát nội dung dự thảo Luật nhằm thể chế hóa được đầy đủ, chính xác quy định và tinh thần của Hiến pháp về phân công phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hành quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Về vấn đề “thành viên của Chính phủ và tổ chức của Chính phủ” được quy định trong dự thảo Luật, có ý kiến tán thành không quy định số lượng và tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ, nhằm bảo đảm tính năng động, sự chủ động của Chính phủ, phù hợp với từng thời kỳ. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị phải xác định cụ thể số lượng và tên gọi để có thể định hình và giao cho một cơ quan quan cụ thể quản lý.
Góp ý về vấn đề "quản lý tòa án địa phương", có ý kiến đồng tình chuyển về cho Chính phủ, song nhiều đại biểu lại đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch của việc điều chuyển.
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nói: “Đối với việc quản lý Tòa án, chúng tôi thấy cần có sự cân nhắc để đánh giá. Cái chính là bản lĩnh của thẩm phán, phải đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức lối sống thì mới có thể làm được công tác chống tiêu cực, tham nhũng. Phải làm rõ vấn đề ai quản lý để đảm bảo tính độc lập cho việc xét xử của tòa án”.