Những nội dung lớn được các đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội quan tâm là vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo toàn nền tài chính quốc gia; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; việc kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh; vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.
Về tình hình nợ công, báo cáo nêu rõ, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013) hiện ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.
Bộ trưởng lí giải nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua là do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.
Về cơ cấu nợ công, báo cáo cho hay, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các Ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề cập đến vấn đề cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa. Trong đó, về chất lượng công tác dự báo thu NSNN, Bộ trưởng khẳng định thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo thu. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, Bộ trưởng khẳng định, dự báo thu được đưa ra trên cơ sở tình hình thực hiện thu năm trước, dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô... Thời gian qua, diễn biến kinh tế phức tạp, khó lường; đồng thời, nền kinh tế cũng đang trong quá trình chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước cũng đang trong quá trình tái cấu trúc; các chính sách thu cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tế điều hành và yêu cầu hội nhập; từ đó dẫn đến việc khó dự báo chính xác tình hình, dự báo thu khó sát với thực hiện. Bên cạnh đó, thời điểm phải đưa ra các đánh giá, dự báo và xây dựng dự toán thu năm sau là tháng 8, 9 hàng năm, nên có sự khác biệt với thực tế thực hiện cuối năm.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận: Năng lực cán bộ còn hạn chế, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng dự toán chưa đầy đủ và đảm bảo tính chính xác nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác phân tích và dự báo thu.
Liên quan đến kỷ cương, kỷ luật tài chính, Bộ trưởng trình bày: Dù cơ quan Thuế, Hải quan đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận, trốn thuế, chống chuyển giá...nhưng tình hình nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện (đến ngày 31/12/2013, tổng số nợ thuế ước tăng 23,9% so với thời điểm 31/12/2012); trong đó có nguyên nhân do doanh nghiệp khó khăn phải nợ thuế.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế chính sách thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế; Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; Bố trí cơ cấu lại nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ ở cơ quan thuế các cấp; Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính thuế và công tác hiện đại hoá, kê khai thuế qua mạng, phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng...
Vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn cũng là nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng đánh giá về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Công tác thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã quyết liệt trong việc thực hiện thoái vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, qua tổng hợp tình hình, vẫn còn một số hạn chế như: việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số doanh nghiệp chưa đảm bảo tiến độ đề ra; một số đơn vị chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu cũng như chưa chủ động báo cáo Chính phủ về tiến độ triển khai và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời; tiến độ cổ phần hoá các DNNN theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 thời gian qua còn chậm...
Theo Bộ trưởng, để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cần tập trung vào một số giải pháp. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước căn cứ Đề án tái cơ cấu và phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa, phương án thoái vốn, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Khẩn trương rà soát để tiến hành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định.
Thực hiện tốt chế độ báo cáo về tình hình triển khai cổ phần hóa DNNN; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.../.