Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015

09/06/2014

Sáng 9.6, QH thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch. Buổi chiều, QH thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015.

Sáng 9.6, QH thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch. Cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hộ tịch, các ĐBQH cho rằng, hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân. Do vậy, xây dựng Luật Hộ tịch cần phải tạo tiền đề bảo đảm cho người dân thực hiện quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp của mình, đổi mới  công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước giảm các loại thủ tục không cần thiết, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch. Đa số các ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo Luật Hộ tịch với các quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú để bảo đảm tính thống nhất, tương thích của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012; Nghị quyết về phân bổ, sử dụng từ nguồn tăng bội chi ngân sách Nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương năm 2013; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Với 88,15% ĐBQH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012. Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước trong năm 2012 là 1.038.451 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước là 173.815 tỷ đồng, bằng 5,36% GDP, không bao gồm số kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước gồm vay trong nước là 131.972 tỷ đồng và vay ngoài nước là 41.843 tỷ đồng.

Tiếp đó, với 87,95% ĐBQH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ, sử dụng từ nguồn tăng bội chi ngân sách Nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương năm 2013.

Tiếp theo chương trình, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015.

Tờ trình của UBTVQH về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015 do Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày. Theo đó, UBTVQH đề nghị, tại Kỳ họp thứ Mười, QH xem xét việc thực hiện các nghị quyết của QH, UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015. Đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị của các cơ quan, UBTVQH đề nghị QH xem xét, quyết định lựa chọn 2 trong 3 nội dung gồm: tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới; về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014.

Các ĐBQH cơ bản tán thành với đề xuất của UBTVQH về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015, nhất là việc QH xem xét việc thực hiện các nghị quyết của QH, UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015. Đối với các giám sát chuyên đề của QH trong năm 2015, nhiều ý kiến tán thành với việc giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Nhiều ĐBQH cũng tán thành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014. Bởi thực tế giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2002 – 2012 cho thấy, khi triển khai cấp đất sản xuất cho hộ nghèo đã có tình trạng một số hộ được phân đất chồng lấn với đất của nông, lâm trường nên không thể vào canh tác được. Các đại biểu cũng chỉ rõ một thực tế, trong khi đất đai tại một số nông, lâm trường bị hoang hóa hoặc cho thuê không đúng mục đích, thì nhiều hộ nông dân lại không có đất sản xuất. Điều này đã gây bức xúc cho dân và cũng là nguồn gốc gây ra không ít vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trong thời gian qua.

Cổng thông tin điện tử