Trong phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về mục đích của việc điều chỉnh dự án Luật này đó là công tác tuyển sinh, đào tạo nâng cao chất lượng dạy nghề nhằm khắc phục tình trạng chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay; chưa thiết lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động, thiếu cơ quan chức năng cụ thể để hướng dẫn thi hành luật, các quy định còn mang tính nguyên tắc…
Về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) một trong những nội dung đáng chú ý được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là các quy định liên quan tới giải quyết vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động, đảm bảo an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội, quy định về độ tuổi nghỉ hưu, chính sách về tiền lương… Các đại biểu cho rằng cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiệm xã hội bắt buộc và tự nguyện, tạo bước đột phá về nguồn thu, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong các doanh nghiệp và trong Luật cần có biện pháp, chế tài đủ mạnh, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý những trường hợp này. Giải quyết các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ công chức, đặc biệt là lưc lượng vũ trang theo hướng tăng lên… Ngoài ra, Dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng sẽ thiết lập một “sàn lương hưu tối thiểu”. Lý do là hiện tại có nhiều người lao động phổ thông có mức đóng rất thấp nên lương hưu rất thấp. Vì thế, vấn đề được xem xét là nếu mức lương hưu của người lao động dưới sàn lương hưu tối thiểu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ để đảm bảo đủ mức sống tối thiểu cho người lao động.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012, theo đó, Quốc hội đánh giá việc quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2012 cơ bản đạt và vượt dự toán được giao. Trong năm 2012, Ngân sách Nhà nước đã tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, tiếp tục cơ chế khuyến khích đối với các vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên đối vói nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí cho quốc phòng, an ninh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính.