Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015

26/05/2014

Ngày 26-5, ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII nghe Tờ trình Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), báo cáo thẩm tra và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2014 của QH.

Các nội dung của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) được nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến, gồm: Về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Về quyền nộp đơn của chủ nợ; Về thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của TAND...

Về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động và công đoàn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, cần làm rõ người lao động có quyền nộp đơn như thế nào? Ðại biểu nêu câu hỏi: Cá nhân một người lao động có quyền nộp đơn hay không? Hay đây là quyền của tập thể người lao động với một tỷ lệ nhất định và những người lao động này phải cử những người đại diện để nộp đơn như quy định của luật hiện hành? Theo đại biểu, người lao động thực hiện quyền này thông qua công đoàn, quy định như vậy phù hợp với quy định của Luật Công đoàn cũng như Bộ luật Lao động vừa được QH thông qua.

Ðại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề cập việc giải quyết vấn đề chủ doanh nghiệp bỏ trốn như thế nào, Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) chưa đề cập rõ. Những năm vừa qua, hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn xuất hiện nhiều, có xu hướng ngày càng tăng, còn nhiều vướng mắc. Ðại biểu đề nghị ở khoản 2, Ðiều 4 về giải thích từ ngữ cần bổ sung khái niệm chủ doanh nghiệp không thực hiện quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp. Qua đó xử lý trường hợp chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Nhiều đại biểu nhận xét, cần xem xét các quy định, thủ tục phá sản còn rườm rà, kéo dài và chưa thật sự phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp. Một số đại biểu đề nghị bổ sung một khoản trong Ðiều 86 quy định quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản đã có hiệu lực phải được đăng trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cổng thông tin điện tử của TAND và báo địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã được đình chỉ thủ tục phá sản. Ðiều đó bảo đảm quyền lợi, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sau này.

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện hệ thống BHXH đa dạng và linh hoạt; mở rộng đối tượng tham gia BHXH; xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH cần hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và bảo đảm an toàn, cân đối quỹ BHXH. Ðể bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động tại khoản 2 (Ðiều 53).

Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH không tán thành quy định này và cho rằng, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.

Thảo luận tại hội trường dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, nhiều đại biểu cho rằng, từ tháng 6-2013 đến nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn một số hạn chế cần khắc phục.

Theo dự kiến, các dự án luật: Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy và thông qua tại kỳ họp thứ tám, Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám. Ðến nay, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình ba dự án này một kỳ họp QH. Nhiều đại biểu nêu rõ, việc trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương như Nghị quyết của QH là chậm so với yêu cầu trình QH xem xét cùng với các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, dự án luật này còn liên quan đến nội dung của một số dự án luật khác. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị giữ tiến độ việc trình QH Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ tám và chấp nhận lùi thời hạn trình hai Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) một kỳ họp QH.

Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Chính phủ đề nghị phương án tổ chức kỳ họp chuyên đề của QH. Tuy nhiên, qua thảo luận và dựa trên cơ sở xem xét tình hình cụ thể năm 2015 và sự chuẩn bị của các dự án luật, đa số ý kiến đại biểu đề nghị không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề mà kéo dài kỳ họp thường lệ của QH để có thể cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật hơn.

Cổng thông tin điện tử